Ngày 9/8, hãng thông tấn bán chính thức Tasnim đưa tin Iran đã lần đầu tiên đặt đơn nhập khẩu bằng tiền điện tử trong tuần này, động thái giúp Tehran tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Thông qua Twitter cá nhân vào hôm 9/8, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran, kiêm Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại (TPO) của nước này – Alireza Peymanpak đã xác nhận thông tin Iran thanh toán đơn hàng nhập khẩu đầu tiên bằng tiền điện tử.
Theo đó, giá trị đơn hàng này là 10 triệu USD và tất cả đều được thanh toán bằng tiền điện tử. Tuy nhiên, nguồn tin không tiết lộ loại tiền điện tử nào được sử dụng.
“Trong tuần này, đơn hàng nhập khẩu trị giá 10 triệu USD đã được hoàn tất thành công bằng cách sử dụng tiền điện tử. Vào cuối tháng 09/2022, việc sử dụng tiền điện tử và hợp đồng thông minh sẽ phổ biến trong thương mại quốc tế với các quốc gia mục tiêu”, ông Alireza Peymanpak cho biết.
Đây là bước đầu tiên hướng tới cho phép Iran giao dịch thông qua tài sản số, từ đó tránh phải sử dụng hệ thống tài chính toàn cầu mà vẫn giao dịch được với những nước bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế gần như toàn diện đối với Iran, bao gồm cấm nhập khẩu dầu mỏ của nước này.
Năm 2021, nghiên cứu cho thấy khoảng 4,5% hoạt động đào Bitcoin diễn ra tại Iran, chủ yếu do chi phí điện rẻ tại nước này.
Việc khai thác tiền điện tử sẽ giúp Iran có thêm hàng trăm triệu USD để mua đồ nhập khẩu và giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, tiền điện tử như Btcoin thường biến động rất mạnh.
Giavang.net