30 C
Hanoi
16/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

IMF thông qua gói cứu trợ tài chính ‘khủng’ trị giá 650 tỷ USD

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 2/8 đã thông qua một gói hỗ trợ nguồn tài chính lớn nhất lịch sử với trị giá lên tới 650 tỷ USD, nhằm thúc đẩy thanh khoản toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Nguồn: politico.com)

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Đây là một quyết định mang tính lịch sử – đợt phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử của IMF – và là sự kích thích đáng khích lệ dành cho nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng chưa từng có”.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi IMF tung gói cứu trợ 250 tỷ USD, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới này áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

“Đợt phân bổ SDR này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên, giải quyết nhu cầu của thế giới trong dài hạn về dự trữ, xây dựng niềm tin, và củng cố sự vững và và ổn định của kinh tế toàn cầu”, bà Gerogieva nói trong một tuyên bố. “Sự phân bổ sẽ giúp ích đặc biệt cho những quốc gia yếu thế nhất đang phải vật lộn với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Tuy nhiên, “chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia tích cực với các thành viên của mình để xác định các lựa chọn khả thi cho việc chuyển các SDR tự nguyện từ các nước thành viên giàu có hơn sang các nước thành viên nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn để hỗ trợ khả năng phục hồi của họ và đạt được tăng trưởng bền vững và linh hoạt”, bà Georgieva nói.

Kế hoạch này chủ yếu là để giúp các nước nghèo có thêm nguồn lực tài chính để chống chọi đại dịch Covid-19, dù rằng trên thực tế, các nước thành viên giàu của IMF sẽ nhận được phần lớn SDR nói trên do tỷ lệ đóng góp vốn của họ cho IMF cao hơn.

Vì SDR sẽ được chia cho các thành viên dựa vào tỷ lệ đóng góp vốn của họ cho IMF, nên các nước giàu sẽ nhận được phần lớn SDR nếu kế hoạch trên được thông qua. Theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ, các nước có thu nhập thấp sẽ được số SDR trị giá 21 tỷ đô la. Các nước mới nổi và đang phát triển, không bao gồm Trung Quốc, sẽ nhận được số SDR tương đương 212 tỷ đô la. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh sẽ nhận được gần 50% SDR mới.

Theo phân tích của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, 58 nước có thu nhập cao sẽ nhận được số SDR, tương đương 438 tỷ USD. Tuy nhiên, các nước nghèo có thể nhận được nhiều hơn nếu các nước giàu quyết định hiến tặng một phần SDR mới của họ.

Việc phân bổ lại SDR sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước châu Phi, nhóm chỉ được cấp khoảng 33 tỷ USD SDR theo hạn ngạch. Pháp đã cam kết sẽ phân bổ lại một phần SDR của nước này cho “lục địa đen”.

Giới chức IMF đã lên kế hoạch cho đợt phân bổ SDR này trong suốt hơn 1 năm qua. Kế hoạch lúc đầu đã bị trì hoãn vào đầu năm 2020, do sự phản đối của Mỹ – nước có đóng góp tài chính lớn nhất trong IMF. Khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng nguồn quỹ này sẽ không đến tay những quốc gia cần nhất.

Việc phân bổ SDR trị giá 650 tỷ USD này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/8 tới.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....