Phát biểu trước thềm cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 6/10, Tổng Giám đốc IMF – bà Kristalina Georgieva cho biết 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ít nhất 2 quý suy giảm vào năm 2023, tức rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật.
Theo người đứng đầu IMF, triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu xuất phát từ “nhiều cú sốc”, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine, cú sốc giá năng lượng và lương thực, cũng như áp lực lạm phát dai dẳng. Điều này gây “căng thẳng trầm trọng” ở một số nước. Bà cũng lưu ý tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chậm lại.
Bà cho biết tình hình “nhiều khả năng trở nên tồi tệ hơn” trong ngắn hạn, một phần là do có những rủi ro về ổn định tài chính đang nổi lên ở thị trường bất động sản của Trung Quốc, về trái phiếu Chính phủ và tài sản kém thanh khoản.
Việc một số quỹ hưu trí ở Anh cận kề bờ vực sụp đổ trong tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về sự hỗn loạn trên thị trường. Theo đó, tăng trưởng thấp và lãi suất cao hơn có thể càng gây thêm bất ổn cho thị trường.
Tuy vậy, IMF vẫn khuyến khích các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh chóng để ghìm cương lạm phát và đảm bảo rằng đà tăng của giá cả không bám rễ vào tâm lý của các công ty và người tiêu dùng.
“Không thắt chặt đủ sẽ khiến lạm phát bám rễ sâu vào tâm lý, điều này sẽ khiến lãi suất trong tương lai phải cao hơn và duy trì lâu hơn. Qua đó sẽ gây ra tác hại lớn đối với tăng trưởng và tổn hại lớn đối với người dân”, bà Georgieva nói.
Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ rất khó đánh giá tác động của các chính sách khi các NHTW ra động thái đồng bộ và quá nhanh. Bà đánh giá quá nhiều đợt tăng lãi suất lớn có thể dẫn đến “suy thoái kéo dài”, nhưng rủi ro của việc tăng quá ít sẽ lớn hơn.
Bà Georgieva khuyến nghị các chính phủ sử dụng một số chính sách tài khóa tạm thời, có trọng tâm nhằm giúp đỡ những người yếu thế nhưng không làm trầm trọng hóa lạm phát. Phạm vi các gói hỗ trợ cũng nên được mở rộng sang các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp trước rủi ro vỡ nợ và đói nghèo.
Giavang.net