18 C
Hanoi
19/03/2024
Image default
Hàng hoá Tin mới nhất

IEA dự báo thị trường khí đốt toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến thị trường khí đốt toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong năm tới do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm và nhu cầu khí đốt ở châu Âu suy yếu do giá cao và các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Nga đã cắt phần lớn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu để đáp lại các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này sau cuộc xung đột tại Ukraine. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng thị trường và sự không chắc chắn trước mùa đông tới, không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với tất cả các thị trường phụ thuộc vào cùng một nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Keisuke Sadamori, Giám đốc Thị trường Năng lượng của IEA cho biết: “Xung đột Nga – Ukraine và cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu đang gây ra thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế – không chỉ ở châu Âu mà còn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Triển vọng về thị trường khí đốt vẫn mờ mịt, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy thị trường vẫn còn thắt chặt vào năm 2023.”

Theo IEA, thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu đã thắt chặt kể từ năm 2021 mặc dù tiêu thụ khí đốt toàn cầu giảm 0,8% trong năm nay do mức giảm kỷ lục 10% ở châu Âu và nhu cầu không đổi ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tiêu thụ khí đốt toàn cầu được dự báo sẽ tăng 0,4% trong năm tới.

Tiêu thụ khí đốt đã giảm nhiều nhất ở châu Âu sau khi giảm 10% trong 8 tháng đầu năm nay do lĩnh vực công nghiệp giảm 15% bởi các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng do giá cả tăng cao.

Trong khi đó, nguồn cung cấp khí đốt từ đường ống dẫn dầu của Nga sang châu Âu đã giảm xuống chỉ còn “nhỏ giọt” sau khi đường ống Nord Stream-1 từ Nga đến Đức ngừng hoạt động vào đầu tháng 9.

Nếu Nga thực hiện lời cảnh báo là trừng phạt công ty năng lượng Ukraine Naftogaz, một trong những tuyến đường cung cấp khí đốt cuối cùng của Nga tới châu Âu có thể bị đóng cửa. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ngay khi mùa Đông, thời điểm nhu cầu sưởi ấm cao nhất tại châu Âu, bắt đầu.

Châu Âu đã cố gắng phần nào bù đắp khoảng trống về khí đốt của Nga trong năm nay thông qua việc tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). IEA dự báo nhập khẩu LNG của châu Âu sẽ tăng hơn 60 tỷ m3 trong năm nay, hoặc gấp hơn hai lần so với năng lực xuất khẩu bổ sung LNG trên toàn cầu.

Điều này có nghĩa là nhập khẩu LNG của châu Á có thể ở mức thấp hơn năm ngoái trong thời gian còn lại của năm 2022, do giá khí đốt cao ở châu Âu. Tuy nhiên, nhập khẩu LNG của Trung Quốc có thể tăng vào năm tới sau khi một loạt hợp đồng mua mới đã được nước này ký kết kể từ đầu năm 2021. Thêm vào đó, khả năng mùa Đông năm nay lạnh hơn cũng sẽ dẫn đến nhu cầu bổ sung LNG từ khu vực Đông Bắc Á, khiến thị trường LNG càng trở nên eo hẹp.

Theo IEA, nếu nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu ngừng hoàn toàn kể từ ngày 1/11 tới, kho dự trữ khí đốt của EU sẽ chỉ đạt 20% mức tối đa vào tháng 2/2023, trong trường hợp nguồn cung LNG vẫn dồi dào. Nhưng nếu nguồn cung LNG giảm xuống mức thấp, thì dự trữ khí đốt của EU có thể chỉ tương đương 5% mức tối đa vào cùng kỳ.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....