Từ sau những bất đồng quan điểm chính trị giữa Nga và Mỹ dưới thời chính quyền Obama, Nga là quốc gia lựa chọn gia tăng dự trữ vàng [1]. Gần đây, Trung Quốc cũng lựa chọn gia tăng dự trữ vàng, Trung Quốc cũng là một quốc gia đang trong tâm điểm chiến tranh thương mại với Mỹ. Đồng thời với việc gia tăng dự trữ vàng, cả Nga và Trung Quốc đều mạnh tay bán ra trái phiếu của Mỹ.
Nhìn lại dữ liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 12/2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về dự trữ vàng, với khối lượng khoảng 8,407.39 tấn, trữ lượng này tương đương với tổng trữ lượng của 3 quốc gia xếp hạng 2, 3, 4 lần lượt là Đức, Ý và Pháp cộng lại.
Ngày nay, các nền kinh tế trên thế giới chủ yếu sử dụng tiền pháp định (Fiat money). Loại tiền hàng hoá (Commodity money) và loại nền kinh tế sử dụng vàng làm phương tiện trao đổi, hay còn gọi là loại nền kinh tế bản vị vàng, đều không còn tồn tại phổ biến nữa [2]. Việc dự trữ vàng của các quốc gia hiện nay chủ yếu như một loại tài sản đầu tư của Chính phủ.
Nói đến đầu tư, có lẽ một yếu tố quan trọng là khoản đầu tư đó sẽ sinh lời hay lỗ là một mấu chốt quan trọng. Nhưng biểu đồ diễn biến giá vàng cho thấy một nghịch lý, bởi giá vàng thế giới có xu hướng giảm dần kể từ khi lập đỉnh trong năm 2012 với mức giá cao nhất từng đạt được là 1,668.98 USD, mặc dù giá vàng đã tăng không ngừng nghỉ suốt 12 năm từ năm 2000 đến 2012, và giá đỉnh năm 2012 đã cao gần gấp 6 lần so với mức giá 279.11 USD của năm 2000. Như vậy, những khoản tăng tỷ trọng đầu tư vào vàng này của Nga, Trung Quốc gần đây, nếu đánh giá theo xu hướng giá hiện tại, chưa phải là những khoản đầu tư sinh lời.
Tình hình dự trữ vàng của Nga và Trung Quốc
Trung Quốc – một đất nước đang trong giai đoạn căng thẳng giải quyết tranh chấp thương mại đối với Mỹ. Dự trữ vàng của Trung Quốc tăng vọt vào giai đoạn Tổng thống Trump tranh cử và đắc cử. Duy trì ở mức trên 1,800 tấn kể từ đó đến nay, và tính đến tháng 12/2018 thì dự trữ vàng Trung Quốc đạt 1,904.61 tấn, xếp thứ 5 trên toàn thế giới theo cập nhật từ IMF.
Nga là quốc gia liên tục gia tăng trữ lượng dự trữ vàng, trong đó mức tăng trở nên mạnh mẽ kể từ năm 2014. So sánh lượng dự trữ vàng năm 2015, Nga đã tăng hơn gấp đôi về mức dự trữ vàng, tính đến cuối năm 2018, đạt 2,184.19 tấn.
Nhìn lại tình hình dự trữ vàng và ngoại hối của Việt Nam
Về tình hình dự trữ của Việt Nam, các số liệu được trình bày ở dạng gộp cả dự trữ vàng và dự trữ ngoại hối như sau, nhìn chung cũng nằm trong xu hướng tăng lên về lượng dự trữ.
Gia tăng dự trữ vàng của Chính phủ và những bài học
Tiền pháp định (Ví dụ đồng Việt Nam đồng, đô la Mỹ, đồng Yên Nhật, v.v…) đều thực hiện được cả 3 chức năng của tiền bao gồm: Là trung gian trao đổi, là đơn vị thanh toán, và là phương tiện lưu trữ giá trị [2]. Xét về chức năng, vàng ngày nay dù có giá trị khác nhau tùy vào giai đoạn, nhưng nó đảm bảo chức năng như một phương tiện lưu trữ giá trị rất tốt bởi vàng luôn có giá trị trong bất cứ bối cảnh nào của nền kinh tế. Vàng ngày nay được một số Chính phủ chọn làm phương tiện để đầu tư và lưu trữ giá trị, nó phổ biến được sử dụng làm đồ trang sức, và còn được dùng đưa vào một số biện pháp chữa trị trong y tế, mỹ phẩm, v.v… [6].
Trên thế giới hiện nay, đô la Mỹ và đồng Euro là những đồng tiền pháp định được chọn để lưu trữ giá trị, phương tiện thanh toán quốc tế, cũng như đầu tư của nhiều quốc gia. Cho nên, Chính phủ Mỹ và châu Âu cũng không có nhiều chọn lựa, vì thế nhìn vào số liệu của 20 quốc gia đang dự trữ vàng lớn nhất thế giới từ số liệu của IMF sẽ thấy khoảng hơn 70% trên tổng trữ lượng vàng dự trữ đang nằm ở Mỹ và các nước châu Âu. Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, là những nền kinh tế mới nổi, cũng đang gia tăng dự trữ vàng, nhằm hạn chế phụ thuộc vào đô la Mỹ và Euro. Quốc gia đang có tranh chấp thương mại, hoặc tiềm ẩn rủi ro tranh chấp thương mại thì càng có áp lực tự vệ tài chính thông qua việc trú ngụ dự trữ qua kênh vàng.
Bài học từ Venezuela
Những ngày này, Venezuela được nhắc đến trên truyền thông toàn thế giới bởi mức lạm phát tỷ tỷ phần trăm, lạm phát đến mức người ta phải cân ký tiền khi mua hàng hóa, và dĩ nhiên một nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng sẽ đi kèm mức sống lầm than của người dân.
Trước đó, Venezuela từng được biết đến là một đất nước hàng đầu về sản xuất dầu, Chính phủ nước này đã đưa ra chính sách tránh phụ thuộc vào đô la Mỹ và đưa 64.8% dự trữ quốc gia vào kênh vàng, tương đương số vàng dự trữ là 187.5 tấn. Năm 2009, Ngân hàng trung ương Venezuela đưa ra chương trình tái cấu trúc gia tăng dự trữ vàng 10 năm. Khi mới bắt đầu, chương trình này của Chính phủ Venezuela đã tương đối thành công, nâng trữ lượng vàng từ 355 tấn đến 365 tấn vào năm 2011, nhưng đến năm 2016 thì nước này thực sự rơi vào khủng hoảng. Điều đó làm cho Venezuela phải bán đi 2/3 lượng vàng dự trữ với giá rẻ hơn so với giá họ đã mua vào năm 2010. Khoản lỗ từ dự trữ vàng này của Venezuela như muối xát vào vết thương của nền kinh tế, và IMF dự báo tỷ lệ lạm phát của Venezuela vào năm 2023 sẽ chạm mức 7,963,904,729,654,400,000,000,000,000,000,000%, một con số ác mộng kinh tế sẽ đi vào lịch sử nhân loại.
Nhìn vào bài học của Venezuela và những thất bại khi lựa chọn phương án dự trữ vàng của Chính phủ họ, gây ra hệ lụy suy thoái từ năm 2015 – 2016, cho thấy vàng không hề là một kênh đầu tư an toàn cho mọi Chính phủ, đặc biệt đối với một đất nước đang phát triển.
Như vậy, dù ở bất kỳ quy mô nào, một cá nhân, một hộ gia đình hay một quốc gia, lựa chọn dự trữ vàng hay ngoại hối chỉ trở thành một chính sách thành công nếu thời điểm bán ra tài sản đó thu được khoản lời chứ không phải khoản lỗ. Cho nên, bài toán đầu tư vào đâu còn phụ thuộc vào kết quả của giao dịch vàng, lượng dự trữ vàng, và giá vàng ở từng thời điểm. Đôi khi, một số quốc gia đang xảy ra tranh chấp thương mại, hoặc niềm tin ở những kênh ngoại hối bị giảm sút, hoặc vì mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ thương mại, họ cũng chọn phương án gia tăng dự trữ vàng. Những phương án này hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược phát triển của từng quốc gia, cũng như sự định vị của họ trên thương trường thế giới trong thời điểm hiện tại và tương lai.
ThS. Đinh Hạ Vân
FILI
Dữ liệu trích dẫn trong bài viết:
[1] I. Kottasová, “Russia is buying lots of gold to shield it from sanctions,” CNNMoney, 2018.
[2] N. G. Mankiw, “Principles of macroeconomics,” Cengage, 2010.
[3] “China Gold Reserves,” Trading Economics, 2019. [Online]. Available: https://tradingeconomics.com/china/gold-reserves.
[4] “Russia Gold Reserves,” Trading Economics, 2019. [Online]. Available: https://tradingeconomics.com/russia/gold-reserves.
[5] “Vietnam Reserves,” The global economy, 2018. [Online]. Available: https://www.theglobaleconomy.com/Vietnam/Reserves/.
[6] “New uses for gold,” World Gold Council, 2019. [Online]. Available: https://www.gold.org/about-gold/gold-demand/sectors-of-demand/uses-of-gold.
[7] Trading Economics, “Venezuela Gold Reserves,” 2019. [Online]. Available: https://tradingeconomics.com/venezuela/gold-reserves.