Việc các quỹ đầu tư ETFs đã và đang bán tháo vàng là lực cản đáng kể đối với giá vàng trong ngắn hạn.
Trong tuần này, giá vàng quốc tế gần như chỉ đi ngang trong biên độ hẹp 1.831- 1.875USD/oz và đóng cửa ở mức 1.847USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng chỉ dao động trong biên độ từ 56,3 triệu đòng/lượng đến 56,8 triệu đồng/lượng. Nhìn chung, khối lượng giao dịch vàng trong nước rất trầm lắng.
Sở dĩ giá vàng vẫn điều chỉnh, tích lũy trong tuần này do các yếu tố tác động trái chiều. USD vẫn tiếp tục tăng nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt. Thế nhưng, kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu kém khả quan do tác động của đại dịch COVID-19, trong khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn đang bất đồng về gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD theo đề xuất của tân Tổng thống Mỹ.
GDP quý 4/2020 của Mỹ chỉ tăng 4% sau khi tăng trưởng tới 33,4% trong quý 3, dẫn tới GDP cả năm 2020 của Mỹ tăng trưởng âm tới 3,5%, mức suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1946.
Đáng chú ý, chi tiêu tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ, giảm 0,2% trong tháng 12/2020 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tháng 1/2021 do dịch bênh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tháng 12/2020– đơn vị đo lường lạm phát được ưa chuộng của FED, chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, dù tăng so với mức 1,4% của tháng 11/2020, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức mục tiêu của FED là 2%.
“Áp lực lạm phát của Mỹ vẫn còn thấp, do chi tiêu tiêu dùng sụt giảm và thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên về dài hạn, lạm phát vẫn là nỗi ám ảnh của Mỹ khi quốc gia này đã và đang bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế”, ông Gus Faucher, Chuyên gia kinh tế trưởng của PNC Financial ở Pennsylvania, cho biết.
Hiện nay, đảng Cộng hòa cho rằng cần chia nhỏ gói cứu trợ nói trên, nhưng đảng Dân chủ nhất định giữ nguyên quy mô gói cứu trợ theo đề xuất của ông Biden, vì cho rằng đây là nguồn lực thưc sự cấp thiết để góp phần tăng cường sản xuất vaccine COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp, gia đình Mỹ khắc phục khó khăn do đại dịch. Do đảng Dân chủ đang chiếm đa số ở lưỡng viện Quốc hội, nên dù không có sự đồng thuận của đảng Cộng hòa, thì gói cứu trợ nói trên sẽ sớm được thông qua. Đây là một trong những rủi ro làm gia tăng lạm phát trong dài hạn, qua đó hỗ trợ cho giá vàng.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá vàng vẫn khó tăng mạnh do các quỹ đầu tư vẫn duy trì trạng thái bán ròng vàng. Riêng SPDR– quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, đã bán tới gần 30 tấn vàng từ đầu tháng 1/2021 đến nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, động thái này chủ yếu nhằm chốt lời để cơ cấu lại danh mục đầu tư, chứ không kéo dài.
Trong khi đó, do tác động của đại dịch, nhu cầu đầu tư vàng vật chất ở một số quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, như Ấn Độ, Trung Quốc… vẫn ở mức thấp. Trong đó, nhu cầu vàng của Ấn Độ năm 2020 giảm hơn 30%, chỉ đạt 446 tấn- mức thấp nhất trong 25 năm, trong khi nhu cầu vàng của Trung Quốc cũng giảm mạnh, riêng nhu cầu nhập khẩu vàng giảm khoảng hơn 80%… Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tích cực trở lại, nên nhu cầu vàng của nước này được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong năm nay.
Ông Sean Lusk, Giám đốc của Walsh Trading, cho rằng về dài hạn, giá vàng vẫn trong xu thế tăng, nhưng chưa thoát xu hướng điều chỉnh, tích lũy ngắn hạn. “Nếu giá vàng tuần tới bị đẩy xuống dưới 1.800USD/oz, thì có thể xuống tới 1.740USD/oz. Tuy nhiên, nếu giá vàng vượt qua 1.895USD/oz, thì có thể sẽ tiến tới 1.950USD/oz”, ông Lusk nhận định.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố một số số liệu kinh tế quan trọng, như số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP); PMI sản xuất… Nhìn chung, số liệu NFP vẫn kém khả quan, dự kiến chỉ tăng 55.000 việc làm sau khi giảm 140.000 việc làm trong tháng 12/2020. Nếu NFP tiếp tục giảm mạnh, sẽ hỗ trợ cho giá vàng tuần tới.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp