Giá khí đốt châu Âu đã tăng vọt lên hơn 160.000 euro (hơn 183 USD)/MWh trong phiên giao dịch ngày 21/12 trong bối cảnh Nga vừa dừng hoàn toàn việc cung ứng khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu.
Ngày 21/12 , Giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng lên 162.775 euro (hơn 183 USD)/MWh), tăng hơn 10% so với 1 ngày trước đó. Trong khi đó, giá khí đốt tại Anh nhảy vọt lên 408,30 xu Anh/therm (đơn vị nhiệt đo lượng khí đốt cung cấp).
Giá khí đốt tại cả hai thị trường trên đều xô đổ các kỷ lục được thiết lập trước đó từ tháng 10, làm dấy lên quan ngại về nhu cầu tăng cao trong những tháng mùa đông ở Bắc bán cầu. Hiện tại, giá khí đốt tăng gấp khoảng 7 lần so với hồi đầu năm.
Giá khí đốt tăng nóng trong bối cảnh Nga vừa dừng hoàn toàn việc cung ứng khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu.
Cụ thể, lượng khí trung chuyển qua đây đã giảm dần công suất thiết kế từ ngày 18/12 và xuống 0% trong sáng 21/12.
Theo các chuyên gia, nguồn cung từ Nga là động lực thị trường quan trọng trong giá khí đốt chuẩn của châu Âu trong những tháng gần đây. Nga hiện cung ứng hơn 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu thông qua hai đường ống, một qua Belarus và Ba Lan và một qua Ukraine.
Trước đó, trong tháng 11, nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Ba Lan Gaz-System cho biết đường ống Yamal hai lần áp dụng “chế độ đảo ngược”, vận chuyển khí đốt ngược lại theo hướng từ Đức sang Ba Lan.
Theo New York Times, khí đốt tự nhiên, vốn đã thiếu hụt ở châu Âu từ mùa Thu năm nay, chuyển hướng khỏi Đức và quay trở lại phía Đông là một sự đảo ngược bất thường đối với một hệ thống đường ống dẫn lớn của Nga.
Nhiều người cũng đưa ra cáo buộc cho rằng Điện Kremlin đang hạn chế nguồn cung cấp khí đốt vì các mục đích chính trị, nhằm thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) cấp giấy phép hoạt động cho Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), vận chuyển khí đốt đến Đức thông qua các lãnh hải của Nga, Đức, Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch.
Về phía Nga, khi được hỏi liệu việc cung cấp khí đốt cho phần còn lại của châu Âu bị dừng lại có phải do tình hình hiện tại liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 hay không, người phát ngôn điện Kremlin cho biết: “Việc này hoàn toàn mang tính chất thương mại. Còn về những lý do cụ thể, xin mời hỏi Gazprom”.
Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành vào tháng 9/2021, vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức mà không cần qua bất kỳ nước thứ ba nào. Điều đó tức là khi đi vào vận hành, việc vận chuyển khí đốt sẽ ít phụ thuộc hơn vào các bên thứ ba, do đó giảm được giá thành.
Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được thông qua. Một số quan chức phương Tây cáo buộc Nga giảm nguồn cung khí đốt một cách có chủ ý để buộc EU phải thông qua đường ống trên.
“Không có sự liên hệ nào như vậy ở đây cả”, ông Peskov khẳng định.
Giavang.net