Lạm phát mục tiêu mới của ECB và những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ sẽ là chủ đề thảo luận chính tại cuộc họp diễn ra ngày hôm nay (22/7) của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ở Frankfurt, Đức.
Nhiều người hy vọng rằng ECB sẽ bất ngờ đưa ra quan điểm ôn hòa, với Thống đốc Christine Lagarde tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của phản ứng chính sách mạnh mẽ nhằm tránh làm giảm kỳ vọng lạm phát.
“Chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng để tiệm cận mục tiêu lạm phát thì đòi hỏi phải có những hành động chính sách tiền tệ mạnh mẽ và kiên trì”, Lagarde nói trong một cuộc chất vấn khi trình bày chiến lược mới vào ngày 8/7.
ECB đã tăng lạm phát mục tiêu từ “thấp hơn nhưng gần 2%” lên mục tiêu 2% trong trung hạn, có nghĩa là cho phép lạm phát ở một số thời điểm có thể vượt quá mức trên dù “không mong muốn”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào năm ngoái cũng tuyên bố sẽ cho phép lạm phát tăng nóng hơn mục tiêu 2% như một cách để thúc đẩy thị trường lao động và phục hồi kinh tế, thể hiện rằng ngân hàng trung ương sẽ hạn chế tăng lãi suất hơn.
Kể từ khi khu vực đồng euro trải qua khủng hoảng tài chính, tăng trưởng giá tiêu dùng bình quân chỉ khoảng 1,2%. Nói cách khác, bất chấp tất cả các biện pháp đặc biệt được triển khai trong bối cảnh khủng hoảng nợ công, lạm phát đã không đạt được mục tiêu của ECB trong suốt thập kỷ qua.
Điều này có ý nghĩa gì đối với chính sách tiền tệ của ECB?
“Chúng tôi nghĩ rằng bình luận của các nhà hoạch định chính sách trong tuần qua cho thấy ECB sẽ không chỉ thay đổi định hướng chính sách cho thời gian tới tại cuộc họp vào ngày 22/7”, Luigi Speranza, chuyên gia kinh tế tại BNP Paribas, cho biết trong một bài phân tích đăng tải gần đây.
“Chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về môi trường hậu PEPP (chương trình mua trái phiếu khẩn cấp) sau khi nắm được thông điệp của ECB về mục tiêu ổn định lạm phát lâu dài”, ông nói.
Trong khi đó, Anatoli Annenkov của Societe Generale cho rằng thông điệp quan trọng của ECB có thể là “không cần vội vàng đưa ra tín hiệu về thắt chặt chính sách”, ngay cả tại các cuộc họp tháng 9 hay tháng 10.
“Chúng tôi mong đợi được làm rõ hơn về khả năng kết thúc giai đoạn áp dụng chính sách kích thích vì đại dịch vào cuối năm nay, và liệu các quyết định quan trọng về PEPP có thể chỉ kéo dài đến lúc đó”, ông nói thêm.
ECB đã đưa ra chương trình mua trái phiếu khẩn cấp vào tháng 3/2020 để đối phó với cú sốc kinh tế từ đại dịch. PEPP hiện đang được dự trù để kéo dài đến tháng 3/2022 với tổng giá trị lên đến 1,85 nghìn tỷ euro (2,2 nghìn tỷ USD).
Theo Thoibaonganhang