Đó là những gì mà các nhà phân tích dự đoán khi các quan chức Mỹ đến Bắc Kinh để thực hiện một vòng đàm phán khác nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại có thể chấp thuận bên ngoài các cam kết đa phương hiện có về việc tránh phá giá đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, giới quan sát cũng hoài nghi về cách thức thực thi bất kỳ một cam kết tỷ giá hối đoái nào trong một nền kinh tế vốn được xem là tính minh bạch chưa cao.
Trên thực tế, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đặt ra kỳ vọng về thỏa thuận tiền tệ mạnh nhất từ trước đến nay, thì các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả Thống đốc NHTW Dị Cương lại nói về sự cần thiết phải tôn trọng quyền tự chủ và bỏ qua các đề xuất về một thỏa thuận một chiều.
Vấn đề tiền tệ của Trung Quốc đã dịu bớt sau một đợt tăng 2,3% của đồng nhân dân tệ trong năm nay, sau khi đã giảm hơn 5% trong năm 2018 trong bối cảnh bất ổn thương mại và nền kinh tế chậm lại. Liệu Trung Quốc có sử dụng công cụ tiền tệ trong cuộc chiến thương mại và đồng nhân dân tệ sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới?
Hui Feng – nghiên cứu viên cao cấp tại Griffith Asia Institute và là đồng tác giả của cuốn “The Rise of the People The Bank of China” cho rằng, thao túng tiền tệ không còn là điều bắt buộc trong kỷ nguyên hậu khủng hoảng tài chính. Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng công nhận rằng tỷ giá nhân dân tệ hiện đang ở gần mức cân bằng. “Bắc Kinh cũng đã học được bài học xương máu khi dòng vốn bốc hơi khỏi nước này trong giai đoạn 2015-2016 do đồng nội tệ mất giá và họ nhận ra rằng việc giữ nhân dân tệ tương đối ổn định sẽ có lợi cho chính mình”, Feng nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, bất kỳ thỏa thuận nào trong vấn đề này sẽ khó thực thi, như việc xác định mức thị trường của tỷ giá hối đoái luôn là đối tượng gây tranh cãi và cáo buộc thao túng tiền tệ thậm chí còn khó khăn hơn, đặc biệt là trong trường hợp Trung Quốc.
Trong khi đó, dù cho rằng, một thỏa thuận tiền tệ rộng rãi cho phép xác định tỷ giá hối đoái theo cơ chế thị trường hoặc cam kết đồng nhân dân tệ mạnh hơn phù hợp với các nguyên tắc kinh tế cơ bản có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của cả hai bên, song Bryan Carter – Trưởng bộ phận nợ của thị trường mới nổi thuộc Công ty quản lý tài sản BNP Paribas vẫn tỏ ra hoài nghi việc Trung Quốc có thể sắp xếp lại giỏ tỷ giá hối đoái hiệu dụng của mình hay thay đổi quy trình tính tỷ giá tham chiếu hàng ngày do áp lực của nước ngoài. “Đừng mong đợi bất kỳ biện pháp cụ thể nào sẽ ảnh hưởng đến tính linh hoạt của ngân hàng trung ương. Nếu có sự minh bạch và giám sát lớn hơn ở Trung Quốc, điều đó gần như chắc chắn sẽ đạt được thông qua các tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu IMF”, vị này nhấn mạnh.
Còn theo Mitul Kotecha – chiến lược gia thị trường mới nổi của Toronto-Dominion Bank, một thỏa thuận đơn giản là không tham gia phá giá cạnh tranh có thể được Trung Quốc đồng ý. Nhưng không chắc là họ sẽ đồng ý ngăn chặn sự suy yếu của nhân dân tệ so với đồng đô la. “Có thể họ có thể xem xét việc quản lý biến động, điều này khả dĩ hơn là ràng buộc nhiều hơn đối với việc suy giảm của nhân dân tệ”, ông nói và nhấn thêm: Điều quan trọng cần nhớ là một điều khoản tiền tệ sẽ được ràng buộc pháp lý bằng cách đưa nó vào tài liệu thỏa thuận thương mại chính thức.
“Hãy nhìn vào thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada được ký năm ngoái và thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn Quốc để tìm manh mối. Các thỏa thuận này bao gồm các thỏa thuận tiết lộ tất cả dữ liệu về hoạt động ngoại hối, bao gồm cả số lượng can thiệp”.
Đồng quan điểm này, Enrique Diaz-Alvarez -Giám đốc rủi ro của Ebury Partners cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ cam kết ngăn chặn sự suy yếu thêm của đồng nhân dân tệ từ mức hiện tại và làm cho đồng tiền linh hoạt hơn trong một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Bởi thị trường ngoại hối tự do hơn sẽ cho phép Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng toàn cầu nhân dân tệ. “Bất kỳ đề cập rõ ràng nào về đồng nhân dân tệ trong thỏa thuận thương mại sẽ chỉ đề cập đến tỷ giá của nó so với đồng đôla”.
Jameel Ahmad – người đứng đầu toàn cầu về chiến lược tiền tệ và nghiên cứu thị trường của FXTM thì cho rằng, Mỹ có thể yêu cầu chính quyền Trung Quốc cam kết ổn định đồng nhân dân tệ và sẽ không cho phép đồng tiền suy yếu vượt qua một mức nhất định so với đồng đôla.
Theo vị chuyên gia này, một thỏa thuận tiền tệ có thể giúp nhân dân tệ tăng giá tới 5% và điều này sẽ khuyến khích tâm lý thị trường mới nổi và giúp kéo dài sự phục hồi tại thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay. Thỏa thuận cũng sẽ giúp Trung Quốc tự do hóa thị trường tài chính của mình. “Tuy nhiên, sẽ có những trở ngại để thực hiện thỏa thuận từ phía Trung Quốc, quốc gia đang sở hữu kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới”, vị này lo ngại.
Với Khoon Goh – người đứng đầu nghiên cứu châu Á của Tập đoàn ngân hàng ANZ, bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết rất có thể sẽ tương tự như chương tiền tệ có trong các cuộc đàm phán lại thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico, thỏa thuận mà cả các bên đồng ý không thao túng tỷ giá hối đoái.
“Một thỏa thuận tiền tệ có lẽ sẽ không gây tổn hại nhiều đối với đồng nhân dân tệ vì chính quyền Trung Quốc có xu hướng hỗ trợ tiền tệ khi nó yếu hơn là cố tình làm suy yếu nó”, Goh nói. Trung Quốc vẫn muốn thấy một tỷ giá hối đoái ổn định sẽ cung cấp một bối cảnh thuận lợi cho các cải cách đang diễn ra. Nó không muốn một loại tiền tệ quá yếu sau khi mất giá năm 2015.
Theo Thời báo Ngân hàng