Hạ tầng hoàn thiện cùng sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch đã tạo “đòn bẩy” cho Quy Nhơn – Bình Định vượt qua các thị trường truyền thống khác tại miền trung
Hạ tầng đầu tư
Được quy hoạch là trung tâm phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định là một trong số ít các tỉnh thành sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, bao gồm cả 4 loại hình trọng điểm: đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy.
Đặc biệt, điểm nhấn hạ tầng giao thông của Bình Định là sân bay Phù Cát xây mới với diện tích gấp ba lần nhà ga cũ, nâng số chuyến bay lên 40 chuyến/ngày thay vì 3- 5 chuyến như năm 2017. Vận tải hàng không đang dần trở nên phổ biến, với chưa tới một giờ bay từ TP. HCM và 1,5 giờ bay từ Hà Nội.
Trong năm 2019, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways theo kế hoạch sẽ khai thác các chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Quy Nhơn đi Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… và ngược lại. Đồng thời, các đường bay nội địa mới từ Quy Nhơn đến các thị trường phát triển du lịch trọng yếu như: Vinh, Quảng Bình, Huế… cũng được xúc tiến sớm để đưa vào khai thác sẽ là cơ hội lớn để kinh tế du lịch cũng như BĐS Quy Nhơn tăng trưởng mạnh mẽ.
Tiềm năng du lịch hàng đầu Đông Nam Á
Sở hữu 143km đường bờ biển cùng những thắng cảnh tuyệt đẹp, còn nguyên nét hoang sơ ít nơi nào có được như Kỳ Co, Eo Gió, Cù Lao Xanh, Bãi Trứng, Hòn Khô… Quy Nhơn – Bình Định được đánh giá là điểm đến mới, hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á.
Năm 2018, Bình Định thu hút hơn 4 triệu lượt khách, trong đó Quy Nhơn chiếm số đông, doanh thu đạt 3.301 tỷ đồng, tăng 54,7% so với năm 2017. Năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 5 triệu lượt khách và doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng – một con số khá cao so với tỷ lệ của cả nước.
Đặc biệt là tình trạng lượng khách không ngừng tăng nhưng hệ thống cơ sở lưu trú lại thiếu hụt với 217 cơ sở lưu trú, trong đó số lượng khách sạn 4-5 sao khá hiếm hoi tính đến cuối 2018.
Cơn lốc đổ bộ của nhiều nhà đầu tư lớn
Thực tế, thời gian qua đã có nhiều đại gia địa ốc đã tìm đến Quy Nhơn với những dự án quy mô lớn như VinGroup với dự án khu du lịch tích hợp cáp treo, Hoa Sen Group với dự án Tổ hợp khách sạn, thương mại, căn hộ cao cấp…
Đáng chú ý nhất không thể không nhắc tới là loạt dự án quy mô của Tập đoàn FLC mang tên FLC Sea Tower Quy Nhon, FLC Cù Lao Xanh, giai đoạn mở rộng của quần thể FLC Quy Nhơn với Học viện Golf Quy Nhon, khách sạn The Coastal Hill và khu đô thị FLC Lux City Quy Nhon.
Tăng trưởng vượt bậc về giá
Theo khảo sát, thời điểm 2016, giá đất các dự án tại Nhơn Lý chỉ từ 2 – 3 triệu đồng/m2 thì tới 2019, giá đã tăng lên mức 25 – 30 triệu đồng/m2. Hoặc tại Eo Gió, gần FLC Quy Nhơn, giá đất năm 2019 vượt ngưỡng 30 triệu đồng/m2, tăng gấp 5 đến 6 lần so với 2 năm trước đó, mang lại lợi nhuận lớn cho những nhà đầu tư tại khu vực này.
Hiện nay, giá đất mặt tiền ở nội thành TP Quy Nhơn vượt ngưỡng 100 triệu đồng m2, đặc biệt các trục đường ven biển như: Xuân Diệu, An Dương Vương bình quân hơn 300 triệu đồng m2.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, dù tăng mạnh nhưng chi phí đầu tư các sản phẩm BĐS ven viển vẫn khá hấp dẫn, và dư địa tăng trưởng còn nhiều, nếu so sánh với số liệu từ các thị trường truyền thống và đã “chạm đỉnh” như Nha Trang, hay Đà Nẵng.
Đây là lý do nhiều dự án BĐS sở hữu hạ tầng đồng bộ tại thị trường Quy Nhơn đang liên tục ghi nhận thanh khoản ấn tượng.
Đồng thời, dù tăng mạnh nhưng giá đất vẫn chưa quá cao như tại nhiều thủ phủ du lịch khác nên Quy Nhơn vẫn được đánh giá sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai, mang lại lợi nhuận hấp dẫn và là lựa chọn sáng suốt của nhà đầu tư thông thái.
Giavang.net tổng hợp