Hiện nay, Nhà nước độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu. Các công ty không được phép xuất khẩu vàng nguyên liệu, chỉ được xuất khẩu vàng, mỹ nghệ, vàng trang sức theo Giấy phép đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vàng Việt Nam trên thị trường thế giới là rất yếu.
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1 tháng 9 năm 2016 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, mức thuế xuất khẩu áp dụng đối với mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95%, chưa gia công hoặc ở dạng bản thành phần, hoặc ở dạng bột; đồ trang sức và các bộ phận của đồ trang sức, đồ kỹ nghệ và bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, các sản phẩm khác bằng vàng (nhóm 71.13, 71.14, 7.15) có thuế xuất khẩu là 0%.
Các mặt hàng trên nếu có hàm lượng vàng trên 95% có thuế xuất khẩu 2% nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.15) chỉ được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Để quản lý mặt hàng vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Hiện nay, Nhà nước độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu. Các công ty không được phép xuất khẩu vàng nguyên liệu, chỉ được xuất khẩu vàng, mỹ nghệ, vàng trang sức theo Giấy phép đăng ký kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu khai báo mặt hàng xuất khẩu là vàng mỹ nghệ các loại, hàn lượng vàng dưới 95%, mã hàng 7114.19.00.90, thuế xuất khẩu là 0%.
“Trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua, theo báo cáo của cơ quan hải quan, tiêu chuẩn giữa các mặt hàng có thuế suất 0% và 2% rất khó phân biệt nên việc tính thuế đều căn cứ theo khai báo của doanh nghiệp, cơ quan hải quan không có đủ cơ sở để kiểm tra”, Bộ Tài chính cho biết.
Để khắc phục những vướng mắc trên, dự thảo Nghị định gửi xin ý kiến thống nhất chung 1 mức thuế suất đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng như hiện nay (tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2%) và gộp dòng theo tên gọi mặt hàng theo đúng Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) mà Việt Nam đã ký kết, không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để đơn giản hóa Biểu thuế, tránh gian lận thương mại.
Theo Bộ Tài chính, đa số các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính.
Riêng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị việc điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng này cần ở mức hợp lý để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, vừa khắc phục được khó khăn thực tế phát sinh khi chia các mức thuế theo hàm lượng vàng.
VCCI đề nghị cân nhắc lại phương án tăng thuế với mặt hàng này do doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, theo Hiệp hội kinh doanh vàng, với đề xuất tăng thuế xuất khẩu thì các doanh nghiệp vàng sẽ không thể xuất khẩu được các mặt hàng này do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vàng Việt Nam trên thị trường thế giới là rất yếu (do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu làm nguyên liệu sản xuất, giá vàng nguyên liệu trong nước cao hơn quốc tế từ 6 đến 8 triệu đồng/lượng).
Theo Hiệp hội, việc xuất khẩu mặc hàng vàng cần được khuyến khích để tái tạo nguồn ngoại tệ và tạo việc làm cho người lao động và việc quy định mức thuế xuất khẩu như dự kiến của là 2% sẽ dẫn đến việc xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp sẽ không có và xuất khẩu lậu qua biên giới sẽ tăng mạnh và rất khó kiểm soát, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ do hành vi buôn lậu vàng qua biên giới. Từ đó, Hiệp hội đề xuất quy định thuế xuất khẩu vàng trang sức kỹ nghệ bằng 0% hoặc giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành.
Bên cạnh đó, VCCI cũng nêu: Theo phản ánh của doanh nghiệp, với việc tăng thuế với mặt hàng vàng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp, từ đó khiển sản phẩm vàng của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, đề nghị cân nhắc lại phương án tăng thuế với mặt hàng này.
Trong khi đó, ngày 6/9/2021, Bộ Công an có công văn số 3154/BCA – ANKT về kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, trong đó Bộ Công an cho rằng việc Bộ Tài chính trinh Chính phủ tăng thuế xuất khẩu vàng dưới 95% lên 2% là cần thiết để tăng nguồn thu cho NSNN và phục vụ công tác quản lý của cơ quan Hải quan.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cùng với giá vàng trong nước tăng cao khiến hoạt động xuất nhập khẩu vàng của doanh nghiệp khó có thể thực hiện, gây thất thu thuế cho nhà nước, Bộ Công an đề nghị nghiên cứu, xem xét thời điểm thích hợp cho việc điều chỉnh tăng lên 2%.
Liên quan đến các ý kiến trên, Bộ tài chính nhấn mạnh qua xem xét thực tế, Bộ Tài chính thấy việc phân biệt loại trên tay dưới 95% rất khó do có thể có dung sai và ngay cả trên cùng 1 mặt hàng như đồ mỹ nghệ thì cũng các bộ phận cũng có thể có hàm lượng khác nhau, nếu phân tích giám định có thể có những kết quả khác nhau trên cùng 1 mặt hàng (khi phân tích lấy mẫu tại các vị trí khác nhau hoặc cùng một lô hàng có nhiều loại khác nhau). Đồng thời, việc tách tỷ lệ vàng như trên sẽ dẫn đến việc tăng các chi phí giám định vị để xác định hàm lượng vàng buộc phải giám định tất cả các lô hàng khi xuất khẩu mà như vậy, phải sử dụng máy móc thiết bị chuyên dụng mới có thể giám định được.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ gộp các dòng chi tiết theo tỷ lệ hàm lượng vàng trên hoặc dưới 95% và chỉ mô tả theo tên hàng (vàng trang sức, vàng kỹ nghệ,…) để thuận lợi cho việc làm thủ tục xuất khẩu, giảm chi phí giám định, thống nhất phân loại mặt hàng vàng.
Tuy nhiên, theo kiến nghị trên của Hiệp hội kinh doanh vàng cũng như các đơn vị tham gia ý kiến, để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý, Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án như sau.
Phương án 1: Quy định thống nhất chung thuế suất đối với mặt hàng vàng này là 1% (thay cho mức 2% đã gửi xin ý kiến), không phân biệt theo hàm lượng vàng.
Phương án 2: Giữ nguyên đề xuất tăng thuế lên 2%, không phân biệt theo hàm lượng vàng như phương án Bộ Tài chính đã xin ý kiến trước đó.
Bộ Tài chính cho hay cả 2 phương án trên đều có ưu điểm là thống nhất phân loại hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất khẩu vàng, đảm bảo bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp, giảm việc giám định và chi phí hành chính do phải thực hiện giám định, góp phần đơn giản hóa biểu thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và hạn chế gian lận thương mại, thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan hải quan.
Thực hiện theo phương án 1, số thu từ thuế xuất khẩu vàng dự kiến sẽ tăng 517,5 tỷ đồng tính theo kim ngạch xuất khẩu năm 2020. Còn theo phương án 2 thì số tăng thu dự kiến là 1.035 tỷ đồng.
Tuy vậy, với phương án 2, cần lưu ý rằng doanh nghiệp sẽ khó xuất khẩu được sản phẩm do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế tác vàng trên thị trường quốc tế còn yếu. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng hàng hóa nguyên liệu gặp nhiều khó khăn cùng với giá vàng trong nước tăng cao, việc tăng thuế xuất khẩu lên 2% đối với các mặt hàng nêu trên có thể làm cho việc xuất khẩu vàng của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Như vậy, có thể thấy, nếu tăng thuế theo phương án 2, kim ngạch xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng đáng kể và do đó, số thu thuế có thể thấp hơn dự kiến.
Theo Vietnamfinance