Biến chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, đã lan đến hơn 80 quốc gia và đang tiếp tục đột biến, biến chủng này được cho là sẽ trở thành chủng SARS-CoV-2 phổ biến nhất thế giới.
Đại dịch đang khiến các nước trên thế giới đứng trước một “cuộc chạy đua” giữa các biến thể, trong đó biến thể xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ mang tên Delta hay B.1.617.2. Đây là chủng đáng lo ngại nhất trong các biến thể mới xuất hiện.
Các quan chức y tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng biến chủng Delta đe dọa sẽ đảo ngược tiến trình đạt được ở các quốc gia, như Mỹ và Anh. Biến chủng này đã làm tình hình dịch bệnh Covid-19 trở nên tồi tệ hơn ở các nước, như Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Delta có khả năng lây truyền trong các hộ gia đình cao hơn ít nhất 60% so với chủng Alpha, biến thể xuất hiện lần đầu ở Anh.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, biến chủng Delta và Alpha cũng là lý do chủ yếu khiến Covid-19 đang lây lan nhanh hơn cả tốc độ phân phối vaccine trên toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO cho biết, việc các ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh hơn tốc độ tiêm vaccine đồng nghĩa rủi ro tăng lên đối với những người chưa được chủng ngừa đầy đủ, mà đây lại là nhóm đối tượng chiếm phần lớn dân số thế giới.
WHO đang theo dõi các báo cáo gần đây về một biến chủng mới được gọi là “Delta cộng”, CNBC đưa tin.
“Điều này có nghĩa là có thêm một sự đột biển mới trong virus được xác định”, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết hôm 16/6. “Trong một số biến chủng Delta, chúng tôi phát hiện thiếu một đột biến thay vì thêm. Vì vậy, chúng tôi đang xem xét lại tất cả các biến chủng đó”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra biến chủng Delta dễ lây nhiễm hơn so với những biển chủng khác. Thậm chí, một số còn cho rằng nó có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn trên người mắc Covid-19. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận thông tin này.
Tổng hợp