Ấn Độ đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến thể mới với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1), biến thể này có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ.
Theo hãng tin Sputnik, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1), là thể mới của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ.
Theo Tiến sĩ TP Lahan – người đứng đầu cơ quan nghiên cứu và giáo dục y khoa cho biết chủng Delta plus được phát hiện ở Navi Mumbai, Palgar và Ratnagiri, trong đó 2/5 trường hợp nhiễm chủng này tại thành phố Ratnagiri không có bất kỳ triệu chứng nào. Để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, nhà chức trách địa phương đã lập khu ngăn chặn và phong tỏa những nơi phát hiện ra virus đột biến.
Theo thông báo của Chính phủ Ấn Độ, ngày 21/6, nước này ghi nhận thêm 53.256 ca nhiễm mới và 1.422 ca tử vong do Covid-19.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em Indonesia cao nhất thế giới
Indonesia đang bước vào đỉnh dịch tiếp theo của làn sóng Covid-19 đầu tiên với tổng cộng hơn 1,98 triệu ca mắc, trong đó có hơn 54.000 trường hợp đã tử vong.
Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Indonesia, ông Aman Bhakti Pulungan ngày hôm qua (20/6) cho biết, tình hình lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em ở Indonesia rất đáng lo ngại. Cứ 8 bệnh nhân mắc Covid-19 ở Indonesia thì có 1 trẻ em. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em nước này tử vong do Covid-19 là cao nhất thế giới, ở khoảng từ 3 đến 5%. Trong đó, 50% số ca tử vong rơi vào trẻ em mới biết đi.
Ông Aman Bhakti Pulungan nhấn mạnh, đến nay hầu hết các bệnh viện đều chưa có phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) dành cho trẻ em. Các loại thuốc sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 chưa phù hợp với trẻ nhỏ. Do đó, ông kêu gọi phụ huynh và các cơ quan chức năng chú ý bảo vệ trẻ khỏi sự lây lan của dịch Covid-19, đồng thời khuyến cáo chính phủ hoãn kế hoạch học tập trực tiếp dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.
Hiện tại, các nhà chức trách Indonesia đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ chủng ngừa đại trà cho người dân. tính đến ngày 19/6, nước này đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho 12,2 triệu người, trong khi 22,8 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên.
Tổng hợp