Giá trị vốn hóa trên các sàn HoSE, HNX, UPCoM đã mất hơn 1,7 triệu tỷ đồng (gần 74 tỷ USD) kể từ đầu năm, trong đó giá trị sụt giảm chủ yếu ở vốn hóa của HoSE – sàn lớn nhất hiện nay.
Thị trường tài chính quốc tế đang chứng kiến đợt khủng hoảng lớn do những lo ngại về suy thoái kinh tế và làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu. Đơn cử, thị trường lao dốc đã quét sạch khối tài sản trị giá hơn 9.000 tỷ USD của người dân Mỹ.
Chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế khi hàng loạt cổ phiếu từ nhóm cổ phiếu trụ đến các mã vốn hóa nhỏ đều lao dốc, tài khoản nhà đầu tư hao hụt trông thấy và tâm lý chán nản rời sàn cũng xuất hiện nhiều hơn.
Vốn hoá HoSE hiện giảm khoảng 1,3 triệu tỷ đồng (gần 55 tỷ USD) so đầu năm. Nếu so sánh giữa hiện tại với thời điểm VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.530 điểm ngày 4/4/2022, giá trị vốn hoá giảm 1,4 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 59 tỷ USD).
Vào thời điểm cao nhất thì vốn hóa của HoSE đứng tại mức 6,03 triệu tỷ đồng (ngày 6/4), như vậy nhà đầu tư Việt Nam đã bị thổi bay gần 1,49 triệu tỷ đồng (tương đương gần 63 tỷ USD) trên sàn này.
Theo công bố mới nhất, HoSE có tổng cộng 594 mã chứng khoán đang niêm yết với tổng khối lượng gần 138,7 tỷ chứng khoán, tương ứng giá trị niêm yết theo mệnh giá 1,39 triệu tỷ đồng.
Trong đó phần lớn đang niêm yết dưới dạng cổ phiếu với 402 mã chứng khoán trị giá 1,36 triệu tỷ đồng; còn lại là các trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF hay chứng quyền.
Năm ngoái, giá trị vốn hoá sàn HoSE đạt 5,83 triệu tỷ đồng, tăng 43% và dẫn đầu khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng vốn hoá. Đà tăng nóng của thị trường chứng khoán đã nâng số lượng doanh nghiệp có vốn hoá tỷ đô thời điểm đó lên 46, trong đó ba doanh nghiệp vốn hoá trên 10 tỷ USD.
Không chỉ trên HoSE mà vốn hóa sàn HNX và UPCoM cũng lao dốc nhanh. Trong đó sàn HNX đang có 341 chứng khoán niêm yết với tổng khối lượng 14,2 tỷ cổ phiếu và UPCoM có 855 chứng khoán với gần 39,6 tỷ cổ phiếu.
Tổng giá trị vốn hóa sàn HNX hiện đạt hơn 301.000 tỷ đồng, tức bốc hơi đến gần 187.000 tỷ đồng (gần 8 tỷ USD) kể từ đầu năm. UPCoM quanh 1,143 triệu tỷ đồng, giảm gần 271.000 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD) so với đầu năm.
Như vậy, tính chung trên cả 3 sàn chứng khoán, tài khoản của giới đầu tư Việt Nam đã bị thổi bay khoảng gần 1,75 triệu tỷ đồng, tức gần 74 tỷ USD kể từ đầu năm.
Theo dữ liệu của StockQ.org, chứng khoán Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách những thị trường tăng mạnh nhất năm qua. Dẫn đầu là thị trường Abu Dhabi, Argentina, Iceland, Áo, Cộng hoà Séc.
Tuy nhiên, với diễn biến tiêu cực bao trùm hiện nay, VN-Index đang đánh mất mạch tăng 3 năm liên tiếp.
Giavang.net