Trong tháng 5/2021, Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 11 năm khi lạm phát tiếp tục tăng, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong ngày 15/06.
Cụ thể, PPI tăng 6.6% so với cùng kỳ và là mức tăng mạnh nhất kể từ khi Cục Thống kê Lao động Mỹ bắt đầu thu thập dữ liệu từ tháng 11/2010.
So với tháng trước, PPI tăng 0.8%, cao hơn ước tính tăng 0.5% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
PPI tăng mạnh giữa lúc doanh số bán lẻ của Mỹ giảm 1.3% trong tháng 5/2021, giảm mạnh hơn dự báo 0.6%, theo BLS.
Giá hàng hóa tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy lạm phát, tăng 1.5% trong khi dịch vụ tăng 0.6%. Trong đại dịch, hoạt động giao dịch hàng hóa vẫn được duy trì, trong khi dịch vụ bị tác động mạnh.
Loại trừ thực phẩm và năng lượng, PPI lõi tăng 5.3% so với cùng kỳ, cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ khi BLS bắt đầu thu thập dữ liệu này từ tháng 8/2014.
Trong đó, giá kim loại màu tăng 6.9%, giá ngũ cốc vọt 25.7%, còn các loại hạt có dầu (oilseeds) tăng 19.5%, thịt bò và thịt bê tăng 10.6%. Trong khi đó, trái cây tươi và dưa giảm 1.9%, và hóa chất hữu cơ cơ bản và nhựa đường cũng giảm.
Các con số mới nhất về PPI có khả năng thêm “dầu vào lửa” trong cuộc tranh cãi dữ dội về lạm phát: Liệu lạm phát có phải chỉ tăng tạm thời vì các khía cạnh tạm thời của việc tái mở cửa kinh tế, như thiếu hụt các nguyên vật liệu thô hoặc vấn đề chuỗi cung ứng, hay không.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tin rằng đà tăng hiện tại chỉ là tạm thời, khi nguồn cung và nhu cầu mất cân đối. Ngoài ra, đà tăng còn đến từ việc so với mức thấp của cùng kỳ năm trước – thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành.
Thế nhưng, cũng có những phản bác gay gắt từ phía các chuyên gia kinh tế Deutsche Bank và các tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ, phần lớn đều cảnh báo về những hậu quả nếu như Fed ngó lơ lạm phát.
Gần đây nhất, Jamie Dimon – CEO của JPMorgan Chase – cho biết Ngân hàng này đang tích cực trữ tiền mặt thay vì mua trái phiếu Chính phủ Mỹ hoặc các khoản đầu tư khác. Ông Dimon lý giải điều này là do khả năng lạm phát cao hơn sẽ kéo dài và buộc Fed nâng lãi suất.
“Chúng tôi đang có rất nhiều tiền mặt và sẽ rất kiên nhẫn, vì tôi nghĩ nhiều khả năng lạm phát không chỉ tăng tạm thời”, ông Dimon cho hay.
Kế đó, CEO của Morgan Stanley, James Gorman, cũng nghĩ lạm phát cao hơn có thể kéo dài. “Câu hỏi đặt ra là khi nào thì Fed mới hành động”, ông Gorman cho biết. “Họ buộc phải hành động ở một thời điểm nào đó và tôi nghĩ khả năng cao là sẽ sớm hơn dự báo từ biểu đồ dot-plot hiện tại (biểu đồ thể hiện dự báo lãi suất của các thành viên Fed”.
Theo Vietstock