Việt Nam đã ghi nhận thêm 6 trường hợp mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 91. Trong khi đó, hai ổ dịch lớn nhất Châu Âu đều ghi nhận số ca tử vong tăng cao kỉ lục trong vòng 24h qua.
Tính đến 7h sáng nay (21/3), toàn thế giới đã ghi nhận 275.484 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 11.384 người đã tử vong và 91.533 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 91
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, hôm qua (20/3), Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 91, trong đó 16 người đã được chữa khỏi.
Ngoài ra, có 196 trường hợp đang cách li để theo dõi dấu hiệu; 36.050 trường hợp đang được cách li theo dõi sức khỏe vì tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch.
Số ca nhiễm ở Việt Nam hiện nay bao gồm:
Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP HCM (17); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (23); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (5); Lào Cai (2); Đà Nẵng (3); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (2), Kon Tun (1).
Tối qua (20/3), sau 14 ngày bị phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19, đoạn phố Trúc Bạch (Hà Nội) với 66 hộ, 189 nhân khẩu, đã được cơ quan chức năng gỡ bỏ lệnh cách li.
Trên thế giới: Số ca tử vong ở Italy và Tây Ban Nha tăng kỉ lục
Theo hãng tin AFP, trong khi dịch COVID-19 đang đang xuất hiện trên khắp hành tinh, có một tia hi vọng ở tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đại dịch bắt đầu vào tháng 12, không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp mới nào trong vòng 2 ngày qua.
Tính chung toàn Trung Quốc đại lục đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 80.929 ca mắc COVID-19 và 3.248 ca tử vong; chỉ tăng lần lượt 1 và 3 trường hợp so với sáng hôm qua.
Trong khi đó, ở Italy, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, ngày hôm qua đã ghi nhận số ca tử vong tăng kỉ lục thêm 627, đưa tổng số người chết lên 4.032, bất chấp những nỗ lực chống dịch của Chính phủ nhằ ngăn chặn sự lây lan của virus.
Số ca nhiễm ở nước này cũng tăng kỉ lục thêm 6.000 trong ngày 20/3, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 lên 47.021.
Hiện quốc gia 60 triệu dân này đang chiếm tới 36,2% số ca tử vong toàn cầu vì COVID-19 và tỉ lệ tử vong vì bệnh này lên tới 8,6%, cao hơn hầu hết các nước.
Tây Ban Nha – quốc gia có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ hai tại châu Âu (sau Italy) hôm 20/3 đã ghi nhận thêm 3.433 ca nhiễm mới và 235 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên 21.510 và 1.093.
Con số này đã đưa Tây Ban Nha vượt qua Iran để trở thành ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới sau Italy và Trung Quốc. Chỉ trong vòng 7 ngày qua, số người chết ở Tây Ban Nha đã tăng gấp 4 lần.
Đức cũng đã vượt Iran và trở thành ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với tổng cộng 19.848 ca nhiễm và 68 ca tử vong do COVID-19.
Ngày 20/3, Pháp ghi nhận thêm 78 người chết, nâng tổng số người chết vì COVID-19 của nước này lên 450 người. Tổng số ca nhiễm ở nước này cũng lên tới 12.612, tăng 1.617 ca trong vòng 24h qua. Nước này đã ban hành lệnh cấm đi xe đạp và giới hạn người dân chỉ có thể đi bộ trong khoảng 2km quanh nhà.
Theo AFP, Châu Âu hiện chiếm hơn một nửa số ca tử vong do dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Châu lục này cũng đã đóng cửa biên giới với hầu hết thế giới.
Tại Châu Mỹ, trong vòng 24h qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh thêm 5.593 và 49 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và số ca tử vong tính đến sáng nay lên lần lượt là 19.382 và 256 ca.
Bang New York, Mỹ ngày 20/3 đã yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh các quyết định của các Thống đốc bang New York và California khi ra lệnh cho người dân ở nhà nhưng ông không cho rằng cần phải phong tỏa cả đất nước.
Tại Trung Đông, Iran là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất và cũng là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới. Trong vòng 24h qua, quốc gia này có thêm 1.237 ca nhiễm COVID-19 và 149 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 19.644 và 1.433.
Đại dịch COVID019 đã làm rấy lên lo ngại về sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán thế giới bị vùi dập. Chính phủ các nước cũng đang đẩy mạnh các gói cứu trợ khẩn cấp để hạn chế thiệt hại.
Tại Đông Nam Á, Indonesia và Malaysia là hai quốc gia đang có số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh. Tính đến sáng nay, Indonesia đã có tổng cộng 32 ca tử vong và 369 ca nhiễm. Còn Malaysia ghi nhận 3 ca tử vong và 1.030 ca nhiễm.
Theo Kinh tế $ tiêu dùng