Tính đến 6h ngày 20-4, toàn thế giới ghi nhận 2.404.234 ca mắc Covid-19 tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 164.891 trường hợp tử vong và 624.713 người đã hồi phục.
Châu Mỹ
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 20/4 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ đã vượt 40.000 ca.
Cụ thể, số người tử vong do COVID-19 tại Mỹ hiện là 40.495 người, đứng đầu thế giới. Số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ hiện là 763.083 ca, chiếm hơn 31% trong tổng số gần 2,4 triệu ca nhiễm trên toàn cầu tính đến thời điểm này.
Ngoài ra, tại Mỹ cũng đã có 70.806 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục, trong khi 13.556 bệnh nhân khác đang trong tình trạng nặng và nguy kịch.
Tổng số người tử vong tại Mỹ đã gần gấp đôi quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai thế giới là Italia.
Ngày 19-4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định, tình hình dịch bệnh tại nước này đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, song các biện pháp giãn cách xã hội vẫn sẽ được thực hiện nghiêm.
Peru đã có hơn 15.000 ca mắc Covid-19, cao thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quốc gia này, khiến hàng triệu người mất việc làm.
Theo Reuters, sau khi trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện tại Peru vào ngày 6-3, mất 25 ngày để số ca nhiễm tại nước này đạt mốc 1.000 người, và chỉ mất thêm 14 ngày để số ca vượt mức 10.000 người.
Châu Âu
Tại Italia, số ca tử vong do Covid-19 đã tăng thêm 433 người trong ngày 19-4, mức tăng thấp nhất trong vòng 1 tuần qua. Số ca nhiễm mới cũng có chiều hướng giảm với thêm 3.047 trường hợp dương tính được ghi nhận, so với 3.491 người của ngày trước đó.
Nước Anh ngày 19-4 ghi nhận thêm 596 ca tử vong vì Covid-19, mức tăng thấp nhất trong vòng 2 tuần qua.
Còn tại Đức, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz nhận định, nước này vẫn có khả năng kiểm soát được tác động tài chính của cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 mà không vượt quá mức nợ được phê duyệt, nếu nền kinh tế ghi nhận những tín hiệu tích cực và phục hồi trong nửa cuối năm nay. Đức hiện là nước có số ca mắc Covid-19 đứng thứ năm thế giới và thứ tư tại châu Âu với hơn 140.000 người.
Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng nhận định diễn biến của dịch Covid-19 tại nước này đang chậm lại, và việc thiếu hụt đồ bảo hộ y tế như khẩu trang đang dần được giải quyết. Song nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc.
Châu Á
Ngày 19-4, Trung Quốc ghi nhận thêm 16 ca mắc mới Covid-19 và không có trường hợp nào tử vong. Giới chức nước này vẫn đang rất thận trọng với nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát và theo dõi chặt chẽ các trường hợp nhiễm mới, nhất là tại tỉnh Hắc Long Giang.
Từ ngày 20-4, Ấn Độ bắt đầu nới lỏng các quy định về phong tỏa và cách ly, đồng thời cho phép nối lại một số hoạt động kinh tế, xã hội tại các khu vực không có ca dương tính mới. Song người dân vẫn được yêu cầu thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách và đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Ngày 19-4, Singapore tiếp tục có số ca mắc mới Covid-19 nhiều nhất khu vực trong ngày thứ sáu liên tiếp và trở thành quốc gia Đông Nam Á có số ca dương tính cao nhất với tổng cộng 6.588 ca.
Trong khi đó, Indonesia tiếp tục là nước có số ca tử vong cao nhất khu vực khi đã có 582 người tử vong do Covid-19.
Tổng hợp