Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, từ Mỹ cho tới châu Á, đang trở nên ôn hòa hơn khi họ ngày càng băn khoăn về việc lạm phát có thể phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại.
Chấm dứt thắt chặt
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Tư tuần trước (20/3) đã đột ngột chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã kéo dài 3 năm qua, phát đi tín hiệu sẽ không tăng lãi suất thêm một lần nào trong năm nay trong bối cảnh kinh tế Mỹ giảm tốc. Fed cũng tuyên bố sẽ chấm dứt việc thu hẹp bảng cân đối tài sản vào tháng 9. Cơ quan này thậm chí còn để ngỏ khả năng có thể cắt giảm lãi suất.
Chỉ sau đó một ngày, hôm thứ Năm (21/3) các Ngân hàng Trung ương của Indonesia và Philippines – hai trong số những ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất mạnh nhất trong năm ngoái – đã giữ nguyên chính sách tiền tệ giống như Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ – SNB).
Ngân hàng Trung ương Đài Loan hôm thứ Năm cũng giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,375% với lý do tăng trưởng kinh tế nhẹ và triển vọng lạm phát ổn định. Trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,75% trong bối cảnh lạm phát tại Anh vẫn nằm dưới mục tiêu gần 2% của BoE và tăng trưởng suy giảm do lo ngại Brexit.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chịu áp lực sau khi giảm tốc mạnh vào năm 2018 và các nhà hoạch định chính sách đang chờ đợi những bất định hiện nay trở nên rõ ràng hơn, từ vấn đề thuế quan thương mại cho đến Brexit. Nhưng lạm phát đang là mối quan ngại lớn nhất khi mà có rất ít dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả gia tăng, bởi sự phục hồi sau khủng hoảng hay chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh.
Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell “đã có những phát biểu lạc quan về triển vọng kinh tế, nhưng cũng tỏ ra khá bi quan về sức mạnh giá cả trong nền kinh tế Mỹ”, Paul Donovan – nhà kinh tế trưởng của UBS cho biết. “Sức ép lạm phát đòi hỏi phải tăng lãi suất một cách nhanh chóng là không có trong quan điểm của Fed”.
Thực tế này cũng đang diễn ra tại SNB khi mà cơ quan này đã cắt giảm dự báo lạm phát, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng kinh tế của Thụy Sĩ. Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện đang có kế hoạch giữ nguyên lãi suất ít nhất là trong phần còn lại của năm nay mà nguyên nhân như ECB tuyên bố hôm thứ Năm là lạm phát cơ bản đang rất yếu ớt.
“Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ đã được đẩy xa hơn nữa trong tương lai”, Chủ tịch SNB Thomas Jordan cho biết. “Vì trong tương lai gần, chúng ta sẽ có lãi suất thấp trên toàn thế giới”.
Có thể đảo ngược chính sách
Còn ở châu Á, sự thay đổi chính sách của Fed có thể mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất vì lạm phát vẫn yếu trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đó là một sự tương phản rõ rệt so với diễn biến của năm ngoái, khi triển vọng tăng lãi suất của Fed đã làm suy yếu các đồng tiền trong khu vực và gây áp lực thâm hụt tài khoản vãng lai.
“Sự thay đổi lớn của Fed, sẽ chấm dứt làn sóng thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương châu Á và để ngỏ cánh cửa cho sự nới lỏng trong tương lai”, Hak Bin Chua – một nhà kinh tế tại Maybank Kim Eng Research Pte tại Singapore cho biết.
Trong khi tại Anh, Biên bản cuộc họp chính sách của BoE đã nhắc lại lời của Thống đốc Carney rằng Brexit có thể thúc đẩy BoE chuyển chính sách theo một trong hai hướng; nhưng một số thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) nói rằng lãi suất sẽ có nhiều khả năng giảm hơn là tăng.
Rõ ràng sự thận trọng đang chi phối suy nghĩ của các nhà ngân hàng trung ương. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang ở gần đáy của sự suy giảm và một số người dự đoán nửa cuối năm 2019 sẽ mạnh mẽ hơn. Theo tính toán của UBS tăng trưởng hàng năm của kinh tế toàn cầu ở mức 2,8% trong quý này, tăng so với mức 2,2% của quý cuối năm 2018.
Có thể thấy sự thay đổi quan điểm của Fed bắt nguồn từ sự hỗn loạn và bán tháo trên thị trường cổ phiếu vào cuối năm 2018. Đối với một số người, những lo ngại kinh tế là hơi thái quá và Powell đã đi quá xa.
“Tôi không nghĩ sự thay đổi (chính sách của Fed) mà chúng ta đang nhìn thấy là xuất phát từ việc nền kinh tế xấu đi”, Patrick Armstrong – Giám đốc đầu tư của Plurimi Wealth cho biết. “Lỗi chính sách khiến mọi người lo lắng trong tháng 12 là Fed quá hung hăng. Thế nhưng chúng ta có thể đã đi một con đường khác, một Fed quá ôn hòa mà điều đó chủ yếu là để hỗ trợ thị trường thay vì nhìn vào nền kinh tế”.
Người phát ngôn của IMF Gerry Rice cho biết hôm 21/3 rằng, IMF ủng hộ quyết định tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất của Fed như một động thái thận trọng trong bối cảnh kinh tế không ổn định. “Kinh tế Mỹ đang đối mặt với một loạt các vấn đề không chắc chắn trên toàn cầu, chúng tôi ủng hộ quyết định của Fed, hãy kiên nhẫn trong việc xác định các thay đổi trong tương lai đối với lãi suất quỹ liên bang”, Rice nói tại buổi họp báo thường kỳ 2 tuần một lần.
Theo Thời báo Ngân hàng