Quỹ ETF đầu tư vào các hợp đồng giao sau bitcoin đầu tiên của Mỹ, ProShares Bitcoin Strategy (mã giao dịch là BITO), chính thức đi vào hoạt động hôm 19-10. Chỉ trong 2 ngày, quỹ này đã thu hút tổng tài sản đầu tư (AUM) 1,1 tỷ USD, chạm ngưỡng số hợp đồng tối đa quỹ được đầu tư trên thị trường phái sinh Chicago Mercantile Exchange (CME).
Quỹ đầu tư ETF vào vàng bị rút vốn ròng
Những con số trên cho thấy sự hấp dẫn của công cụ quỹ đầu tư ETF vào bitcoin trên thị trường của Mỹ. Giá bitcoin trong tuần cũng vượt 66.000USD/bitcoin, mức cao nhất lịch sử. Giá trị thị trường của bitcoin vượt 2.600 tỷ USD.
Những con số này cho thấy nhiều nhà đầu tư trên thị trường Mỹ muốn “đầu tư một ít” vào bitcoin, từ các quỹ đầu tư truyền thống cho đến các quỹ hưu trí, vốn bị hạn chế không thể mua bitcoin trực tiếp do quy định cam kết đầu tư. Trước đây họ chỉ có thể lách quy định bằng việc đầu tư vào những công ty như Tesla hay MicroStrategy, những công ty có đầu tư vài tỷ USD vào bitcoin.
Trong khi đó, dòng tiền vào vàng đang đi theo chiều ngược lại. Từ đầu tháng 6 tới nay, tiền đầu tư vào quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold bị rút ròng 3,6 tỷ USD. Giá vàng quốc tế cũng đã giảm xuống dưới 1.800USD/ounce trên thị trường giao sau, thấp đáng kể so với mức 1.950USD/ounce hồi đầu năm, hay đỉnh cao trên 2.050USD/ounce của năm ngoái.
Khi bitcoin được một số chuyên gia quản lý quỹ như Cathie Wood của ARK Invest ví von như “vàng số”, sự so sánh giữa bitcoin với vàng khó tránh khỏi, nhất là trong giai đoạn lạm phát đang tăng cao trên toàn cầu hiện nay.
“Vì sao vàng không tăng khi lạm phát cao?” là câu hỏi của nhiều người. Và câu trả lời đơn giản nhất cho đến lúc này vì dòng tiền đang không đổ vào vàng mà đổ vào nhiều loại tài sản khác.
Có nhiều lý do cho việc này. Đó là vàng đã kém hấp dẫn hơn khi lãi suất của các nước đang được dự đoán sẽ tăng, đẩy lợi suất trái phiếu tăng. Khi lợi suất trái phiếu tăng, đặc biệt với những đồng tiền chính như USD, những tài sản nắm giữ không tạo ra lợi suất định kỳ như vàng sẽ kém hấp dẫn hơn, nhất là với những quỹ đầu tư nhắm vào thu lợi nhuận định kỳ.
Kế tiếp, sự thay đổi trong cấu trúc dân số đang làm thay đổi góc nhìn của những nhà đầu tư trẻ đối với tài sản phòng ngừa rủi ro lạm phát.
Họ thích sở hữu tài sản thời thượng được cho có cùng đặc tính phòng ngừa lạm phát với vàng như bitcoin. Điều này đúng hay không còn phải chờ thời gian dài mới biết, nhưng việc bitcoin thu hút dòng tiền nhiều và tăng giá nhanh, trong khi vàng tăng giá chậm đã làm vàng không hấp dẫn trong mắt giới trẻ.
Với họ, sở hữu những cổ phiếu công nghệ hay bitcoin lại là phương án phòng ngừa lạm phát có lợi hơn so với sở hữu vàng.
Các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Apple, có doanh thu và lợi nhuận tăng nhanh khi lạm phát cao vì họ có thể nâng giá sản phẩm mạnh, đẩy hết các chi phí tăng cao do lạm phát về phía khách hàng, giữ nguyên biên lợi nhuận của mình.
Trong khi đó bitcoin tăng nóng do làn sóng người giàu và một số quỹ đầu tư truyền thống, bao gồm cả những quỹ hưu trí của Thụy Điển và Mỹ đang muốn sở hữu bitcoin trong danh mục đầu tư của mình.
Khi những quỹ hưu trí của các giáo viên, nhân viên bưu điện, người lái xe tải hay lính cứu hỏa, cảnh sát mua bitcoin, là tín hiệu cho thấy sự đa dạng hóa danh mục đầu tư, phần nào chấp nhận bitcoin là nhánh tài sản có thể đầu tư.
Nắm bắt xu thế thị trường
Những người tin tưởng vào bitcoin cho rằng những người “cuồng vàng” đang không hiểu rõ bitcoin và bitcoin sẽ thay thế vàng. Với tầm nhìn đó, họ tin rằng bitcoin sẽ lên đến 500.000USD/bitcoin. Cách tính của họ như thế nào? Trước tiên, do thuật toán của bitcoin, sẽ có tối đa 21 triệu bitcoin.
Vốn hóa của thị trường vàng được ước tính 11.000 tỷ USD. Vậy nếu bitcoin có vốn hóa tương đương vàng, giá 1 bitcoin phải hơn 500.000USD. Vấn đề là liệu bitcoin có thể thay thế hay so ngang với vàng? Hãy nhìn về tương quan hiện tại. Quỹ ETF bitcoin đình đám trong tuần này đang quản lý khoảng 1,1 tỷ USD. Trong khi đó, quỹ SPDR Gold đang quản lý hơn 58 tỷ USD.
Giá trị thị trường của bitcoin hơn 2.600 tỷ USD, trong khi vàng 11.000 tỷ USD. Những con số này cho thấy bitcoin vẫn còn xa mới bắt kịp vàng về mức độ phổ biến với giới đầu tư chính thống. Tuy nhiên, việc bitcoin tăng chỉ từ vài tỷ USD vốn hóa vài năm trước lên 2.600 tỷ USD là chuyện không thể xem thường.
Ở góc độ quản lý danh mục, có thể hình dung không có sự thay thế tuyệt đối, mà là sự đa dạng hóa danh mục. Với nhiều quỹ đầu tư đang nắm giữ vàng ở mức 5-6% giá trị danh mục đầu tư của mình, một số trong đó đang tính sẽ nâng tỷ lệ sở hữu bitcoin về xung quanh 1%. Hệ quả, họ giảm nắm giữ vàng và tài sản khác để phân bổ 1% tài sản đầu tư vào bitcoin.
Tùy theo biểu hiện của bitcoin và vàng trong tương lai các quỹ đầu tư sẽ điều chỉnh tỷ lệ phân bổ tương ứng. Một số quỹ đầu tư sở hữu lên tới 12% vàng có thể sẽ phải suy nghĩ lại, nhưng những quỹ đầu tư lớn vào bitcoin cũng có những rủi ro riêng vì tính biến động cao của bitcoin. Người theo dõi bitcoin có lẽ chưa quên tháng 3 năm ngoái 1 bitcoin đã giảm 50% giá chỉ sau vài ngày biến động, chỉ còn dưới 4.000USD.
Ở khía cạnh nào đó, đầu tư vào vàng hay bitcoin có thể được ví von như sự khác biệt trong quan điểm giữa các thế hệ. Người già thích nghe nhạc Trịnh và mua vàng cũng như người trẻ thích nghe nhạc rap và mua bitcoin. Sẽ không có cái nào biến mất cả. Thỉnh thoảng người nghe nhạc rap cũng thích nghe nhạc Trịnh và ngược lại.
Vì vậy, thay vì tranh cãi hay suy nghĩ thay thế vàng bằng bitcoin và ngược lại, cách tiếp cận phân bổ danh mục đầu tư ra cả 2 loại có thể phù hợp hơn.
Những tính toán này liên quan đến giá vàng quốc tế so với bitcoin. Thực tế giá vàng Việt Nam có đường đi riêng với độ lệch giữa vàng trong nước và quốc tế rất lớn. Mặt khác, tuy thị trường Việt Nam có cấu trúc dân số riêng, mức độ chấp nhận tài sản tiền mã hóa cũng thuộc loại cao hàng đầu thế giới, tính pháp lý về tiền mã hóa chưa được rõ ràng, tiền mã hóa chưa được công nhận là tài sản.
Nếu điều này thay đổi, sẽ có những diễn biến thú vị. Vì vậy, những diễn biến ở Việt Nam về phân bổ tài sản cũng sẽ đi theo cách riêng. Thay vì cố gắng tranh cãi cái nào tốt hơn, hãy nắm bắt xu thế thị trường và có quyết định phân bổ tài sản tốt nhất cho mình.
Thay vì tranh cãi vàng và bitcoin cái nào tốt hơn, hãy nắm bắt xu thế thị trường và có quyết định phân bổ tài sản tốt nhất cho mình.
Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh
Theo Vietstock