Dốc 22 cây vàng dồn tiền kinh doanh đất lướt sóng, hai tháng sau vợ chồng trẻ khóc ròng vì không gặp được khách còn vàng lại tăng chóng mặt.
Đầu tháng 9, thấy giá vàng biến động không nhiều, nghĩ đầu tư vào đất sẽ kiếm lời nhanh hơn nên vợ chồng chị Hiên quyết định dốc hết vốn liếng vào kinh doanh lướt sóng. Không ngờ, đất ôm không bán được, vàng lại leo thang dựng đứng khiến anh chị tiếc tới mất ăn mất ngủ.
Vợ chồng chị Hiên ở Xã Đàn, Hà Nội bán hàng tạp hóa hơn 5 năm nay. Tháng này bù tháng khác, tính ra trung bình mỗi tháng chị Hiên thu về được 15 triệu đồng từ việc bán hàng. Chồng chị chạy xe công nghệ, thu nhập dao động từ 10-12 triệu đồng/tháng.
Vì đã có nhà nên vợ chồng chị quy định chi phí sinh hoạt gia đình chỉ tiêu trong khoản tiền chạy xe của chồng, còn nguồn thu từ cửa hàng là để dành mua vàng tích lũy.
“Cả hai vợ chồng đều không thích gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng vì thấy lãi thấp mà tiền ngày càng mất giá. Mình bắt đầu mua vàng tích lũy từ năm 2016, khi ấy, giá vàng 34 triệu đồng/cây. Trung bình mỗi tháng, mình mua được khoảng 4 chỉ cất đi. Hàng ngày, mình theo dõi giá vàng, lên là vợ chồng mang bán, xuống vợ chồng lại mua vào để kiếm chênh lệch”.
Tuy nhiên, sang năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cả việc kinh doanh cửa hàng của chị Hiên cũng như công việc chạy xe của chồng chị đều bị ảnh hưởng khiến thu nhập gia đình giảm rất nhiều.
Chị Hiên cho hay, tính tới tháng 9 năm nay, vợ chồng chị tích lũy được tổng cộng 22 cây vàng. Theo dõi thấy giá vàng thời điểm đó ít biến động, có tăng cũng không đáng kể mà đất chỗ nào tăng. Anh chị thấy sốt ruột vì ôm vàng mãi cũng chán, chẳng biết bao giờ giá mới tăng. Vì thế, hai vợ chồng bàn nhau quyết định bán hết chỗ vàng để dồn tiền mua đất lướt sóng kiếm lời.
Vợ chồng chị Hiên bán hết 22 cây vàng với giá 56 triệu đồng/cây, được 1,23 tỷ đồng. Qua môi giới, anh chị vay thêm ngân hàng 200 triệu để mua hai mảnh đất dịch vụ ở Sóc Sơn, mỗi mảnh trị giá 710 triệu đồng.
“Mình xem thông tin trên mạng và thấy bạn bè đều nói đất Sóc Sơn đang nóng nên quyết định về đó mua, dù đi lại khá xa. Cả hai mảnh của mình đều rất đẹp. Vợ chồng mình tính mua xong gặp khách sẽ bán luôn, mỗi mảnh mình chỉ lấy chênh lệch lên khoảng 150 triệu là được”, chị Hiên kể.
Tuy nhiên, mọi việc không được như dự tính của vợ chồng chị. Làm xong giấy tờ đất, anh chị đăng bán trên trang cá nhân mà rất ít khách hỏi mua.
Khách nội thành thì họ chê đất xa trung tâm quá nên ép giá, trả còn chưa bằng giá mình mua vào. Thi thoảng cũng có khách trên đó hỏi nhưng là dân quanh khu vực ấy, nắm được giá cả, trả chênh ra không đáng bao nhiêu, cũng không bán được.
Trong khi đó, giá vàng từ giữa tháng 11 lại tăng dựng đứng. Nếu giữ vàng tới giờ này mới bán, anh chị lời thêm ít nhất 120 triệu. Vậy mà đất thì cứ đứng im, chưa thấy có dấu hiệu khả quan.
“Mình cũng không hiểu sao chỗ nào cũng thấy thông tin đất đang sốt, mà khi vợ chồng mình đầu tư lại khó bán thế. Chưa kể, hàng tháng mình còn phải trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi là 4,9 triệu đồng. Công việc của cả hai vợ chồng lại đều đang khó khăn”, chị than thở.
“Hai mảnh đất không có khách mua nên vẫn bất động, còn hàng ngày theo dõi thấy giá vàng liên tục tăng giá khiến vợ chồng chị Hiên tiếc tới mất ăn mất ngủ. Nhiều lúc mình còn không dám vào mạng xem tin tức vì cứ thấy có tin vàng tăng là mình càng buốt ruột hơn. Giờ vợ chồng mình chỉ mong nhanh chóng bán được đất, trả hết khoản nợ ngân hàng để giải tỏa áp lực”, chị cho hay.
Theo Vietnamnet