(GVNET) – Tóm tắt
- Vàng thế giới tăng 1% trong tuần này.
- Chỉ 2 nhịp tăng trong 2 phiên, vàng miếng đã đem lại mức lợi nhuận đáng chú ý cho nhà đầu tư.
- Vàng nhẫn – tỏa sáng rực rỡ, đầu tư trong 1 tuần lãi gấp đôi vàng miếng.
- Khuyến nghị của chuyên gia khi đầu tư vàng trong thời điểm giá vàng đang tăng nóng.
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong gần 5 tháng
Vàng miếng SJC ghi nhận 2 lần điều chỉnh trong tuần này và cả 2 lần đều tăng giá. Nhịp tăng đầu tiên vào phiên đầu tuần 21/10, giá vàng tăng 2 triệu đồng/lượng cả chiều mua và bán lên 86,00 – 88,00 triệu đồng/lượng.
Nhịp tăng thứ 2 xuất hiện ngay sau đó tại phiên 22/10. Tăng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng, vàng miếng SJC đạt 87 triệu đồng/lượng chiều mua và 89 triệu đồng/lượng chiều bán. Các phiên còn lại trong tuần không ghi nhận thêm nhịp điều chỉnh nào. Càng miếng SJC tăng tổng cộng 3 triệu đồng mỗi lượng trong cả tuần và chốt giá mua – bán tại mốc 87,00 – 89,00 triệu đồng/lượng. Các nhịp tăng có sự đồng đều ở cả hai đầu giá, chênh lệch mua – bán duy trì khoảng cách 2 triệu đồng. Với mức tăng 3 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư giữ vàng miếng trong 1 tuần qua đạt lợi nhuận 1 triệu đồng cho mỗi lượng vàng.
Với mức giá 89 triệu đồng, SJC đang neo tại vùng cao nhất kể từ ngày 31/5/2024 và đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 3,6 triệu đồng, tăng 1,7 triệu so với chênh lệch tại phiên cuối tuần trước.
Giá vàng miếng SJC tiếp tục biến động dưới sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước, Người dân mua vàng vẫn thông qua hình thức đăng ký trực tuyến, nguồn cung hạn chế khiến quá trình mua trở nên thách thức, nhưng nếu kiên trì thì cơ hội đăng ký thành công vẫn có.
Mua vàng nhẫn lãi đậm
Người mua vàng nhẫn tiếp tục thắng lớn, giá vàng liên tục tăng mạnh qua các phiên giao dịch, nhịp tăng qua mỗi phiên lên tới cả triệu đồng/lượng, vàng nhẫn mua vào và bán ra đều đang đứng đỉnh cao nhất mọi thời đại.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 26/10, thị trường vàng nhẫn có giá mua vào neo trong khoảng 87-87,9 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn bán ra đạt 88,5-89 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.
Tính trong cả tuần, giá mua ghi nhận mức tăng từ 3-3,3 triệu đồng/lượng, giá bán đạt mức tăng khoảng 3,2-3,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán hiện dao động trong khoảng 1-1,5 triệu đồng, có chiều hướng tăng so với mức 1-1,3 triệu đồng cuối tuần trước.
Nhìn chung, mức chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn khá ổn định và phổ biến ở mức 1 triệu đồng/lượng, nắm giữ vàng miếng sau 1 tuần đạt mức lợi nhuận lên tới 1,7-2,3 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.
Đỉnh 89 triệu đồng hiện tại của vàng nhẫn đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 3,6 triệu đồng, tăng 1,9 triệu đồng so với cuối tuần trước.
So với giá vàng miếng, vàng nhẫn bán ra đang có mức giá tương đương, trong khi vàng nhẫn mua vào cao hơn giá mua vàng miếng tới 900.000 đồng. Đây là lý do vì sao đà tăng vàng nhẫn chỉ nhỉnh hơn vàng miếng vài trăm nghìn đồng nhưng mức lợi nhuận lại vượt trội hơn hẳn.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh, đem lại lợi nhuận ấn tượng cho nhà đầu tư chỉ trong thời gian ngắn, các chuyên gia vẫn khuyên nên thận trọng trong bối cảnh đầu tư hiện tại.
Theo chuyên gia, giá vàng đã có chu kỳ tăng khá mạnh bắt đầu từ cuối năm 2023 và kéo dài tới nay. Chỉ tính riêng năm 2024, giá vàng đã có rất nhiều lần phá đỉnh lịch sử, lập những mốc đỉnh mới.
Kim loại quý tăng khi ngân hàng trung ương các nước đã mua vàng từ nhiều năm trước, kéo dài tới năm nay. Số liệu của Hội đồng vàng thế giới cho thấy trong vài năm qua, mỗi năm ngân hàng trung ương các nước đã mua vào cả ngàn tấn vàng. Nhà đầu tư cá nhân cũng bị “cuốn” vào sóng vàng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông leo thang và vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn.
Xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, bắt đầu từ cuối năm ngoái đến nay cũng kích thích giá vàng đi lên. Đặc biệt mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm 0,5 điểm lãi suất điều hành càng thúc đẩy dòng tiền chảy vào vàng.
Trong nước, giá vàng nhẫn và vàng miếng cũng tăng tốc theo đà tăng của giá vàng thế giới, ngoài ra, các kênh đầu từ truyền thống khác có phần kém hấp dẫn: Lãi gửi tiết kiệm thấp; chứng khoán lình xình; bất động sản cần lượng vốn lớn, do đó mà kim loại quý nổi lên như một lựa chọn tối ưu, đặc biệt là vàng nhẫn, khi vàng miếng hấp dẫn nhưng khó tiếp cận do sự kiểm soát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước.
Theo chuyên gia, nếu giá vàng thế giới tăng tiếp lên 3.000 USD/ounce (tương đương mức tăng khoảng 50% trong chu kỳ 2 năm), sẽ là điều đặc biệt hiếm hoi trên thị trường tài chính. Bởi trong lịch sử, chu kỳ tăng giá 10 năm của vàng thường chỉ tăng 1-2 năm và hiện tại giai đoạn cuối năm 2023 đến nay đã đạt mức này.
Vì vậy, giá vàng sẽ khó tăng mạnh sau khi liên tục phá kỷ lục trong thời gian qua. Thông thường, trong 1 chu kỳ tăng giá của vàng, mức tăng chỉ 20-30% trong một năm.
Vì vậy, nhà đầu tư cần lưu ý điều này để cân nhắc có nên mua vào thời điểm này nữa hay không. Nếu đã có vàng trước đó có thể tiếp tục nắm giữ hoặc cân nhắc mua vào với tầm nhìn dài hạn 3-5, còn mua vàng để “lướt sóng” với kỳ vọng tăng giá mạnh tiếp theo sẽ khá rủi ro.
Nếu mua, cũng không nên dốc toàn bộ khoản đầu tư vào vàng. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng vốn vay để mua vàng vì quá rủi ro, trong trường hợp giá vàng đảo chiều lao dốc.
Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới do bất ổn địa chính trị và dự báo giảm lãi suất từ Fed
Dừng chân tại ngưỡng 2747 USD/ounce, vàng thế giới ghi nhận mức tăng khoảng 1% trong cả tuần này. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.500 VND/USD) giá vàng đạt 85,39 triệu đồng/lượng, tăng 1,28 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Tuần này, giá vàng ghi nhận mức kỷ lục mới mọi thời đại 2758 USD/ounce vào ngày thứ Tư (23/10. Mặc dù áp lực bán chốt lời xuất hiện ngay sau khi vàng đạt đỉnh, sự căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông tiếp tục đẩy giá vàng lên cao.
Giới đầu tư đã dõi theo các động thái căng thẳng giữa Israel và Iran, khi Israel tiến hành tấn công vào các mục tiêu quân sự của Iran. Đây được cho là phản ứng đáp trả trước vụ tấn công tên lửa của Iran vào đầu tháng. Các chuyên gia cho rằng nguy cơ các cơ sở dầu khí của Iran bị tấn công sẽ gây thêm bất ổn cho thị trường, tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Bên cạnh đó, với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào ngày 5/11, thị trường thêm phần bất định. Các cuộc thăm dò cho thấy sự cạnh tranh sát sao giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris, khiến nhu cầu đầu tư vàng tăng cao.
Ngoài ra, giới đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trên toàn cầu cũng đang hỗ trợ vàng – tài sản không mang lợi suất – thường hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp.
Theo công cụ FedWatch của CME, có đến 95% dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất 0,25% trong cuộc họp tháng 11 tới đây.
Mặc dù USD tăng giá liên tục, đạt chỉ số Dollar Index ở mức 104,32 điểm và tăng 0,8% trong tuần qua, nhưng nhu cầu trú ẩn vào vàng vẫn không bị cản lại. Ole Hansen, chiến lược gia trưởng tại Saxo Bank, nhận định rằng dù có điều chỉnh, giá vàng khó giảm sâu bởi các nhà đầu tư sẽ xem đây là cơ hội để mua vào. Ông nhấn mạnh rằng, bất kể kết quả bầu cử Mỹ ra sao, áp lực nợ công ngày càng lớn sẽ thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng như một tài sản bảo toàn giá trị.
Dữ liệu việc làm tháng 10 của Mỹ, dự kiến được công bố vào tuần tới, cũng đang được giới đầu tư Phố Wall mong đợi. Báo cáo này sẽ ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng của thị trường về động thái tiếp theo của Fed và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, từ đó tạo thêm biến động cho giá vàng trong thời gian tới.
Giavang.net