24 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Tin mới nhất Vàng Vàng thế giới

Nước nào mua nhiều vàng nhất nửa đầu năm 2024?

(GVNET) – Vàng là một loại tài sản dự trữ quốc gia do các đặc điểm về mức độ an toàn, tính thanh khoản và lợi nhuận. Trong nhiều năm, các quốc gia đều tăng dự trữ vàng – theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Các ngân hàng trung ương đều đặn mua vàng với một tốc độ ngày càng tăng. Hiện các ngân hàng trung ương nắm giữ khoảng 20% tổng lượng vàng khai thác được trong suốt lịch sử.

Trong nửa đầu năm 2024, các ngân hàng trung ương đã mua 483 tấn vàng, đây là mức cao kỷ lục mới. Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua vàng nhiều nhất trong nửa đầu năm nay với 45 tấn, Ấn Độ xếp thứ hai với 37 tấn vàng.

Các quốc gia khác như Jordan, Qatar, Uzbekistan, và Iraq cũng gia nhập làn sóng này. Ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi duy trì quan điểm tích cực về tương lai của vàng trong dự trữ ngoại hối.

Trung Quốc thường là nước mua vàng hàng đầu thế giới, nhưng gần đây tạm ngừng hoạt động mua vào. Mới đây, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cấp hạn ngạch (quota) mới cho một số ngân hàng trong nước để nhập khẩu vàng. Nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng trở lại, giá vàng có thể tiếp tục tăng.

Tính đến cuối tháng 7, lượng vàng PBOC nắm giữ là 72,8 triệu ounce. Năm 2023, PBOC là đơn vị mua vàng lớn nhất thế giới, với mức mua ròng 7,23 triệu ounce, theo số liệu của WGC.

Ảnh minh họa

Tính trong quý II/2024, Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) đã mua khoảng 19 tấn vàng và trở thành nhà mua vàng lớn nhất thế giới, ngang với Ấn Độ – theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới.

Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ba Lan Adam Glapinski gần đây tiết lộ rằng NBP sẽ tiếp tục mua vào và có kế hoạch đảm bảo vàng chiếm tới 20% dự trữ của ngân hàng. Hiện tại, vàng chiếm 14,7% trong dự trữ của NBP.

Grzegorv Dróżdż, chuyên gia phân tích thị trường tại Conotoxia, cho biết: “Tốc độ mua vàng của Ba Lan kể từ tháng 4 năm nay đã vượt qua cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính đến cuối quý II/2024, dự trữ vàng của Ba Lan đã tăng lên 377,4 tấn, chủ yếu được lưu trữ tại Ngân hàng Anh”.

Tại Ba Lan, nhu cầu vàng đã tăng mạnh sau đại dịch Covid-19 và do cuộc chiến Nga – Ukraine.

Một trong những lý do chính khiến các ngân hàng trung ương chủ động tích trữ vàng là để có thể đa dạng hóa nguồn dự trữ và bảo vệ tài sản trước sự bất ổn kinh tế vĩ mô và các cú sốc địa chính trị.

Trong bối cảnh có nhiều bất ổn như hiện nay, khi tiền tệ và các tài sản khác có thể dễ dàng bị dao động, vàng được xem như một tài sản an toàn và một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Nó cũng là một cách hiệu quả để đa dạng hóa danh mục đầu tư của ngân hàng trung ương và được coi là tài sản có tính thanh khoản cao, không có rủi ro vỡ nợ.

Ngoài ra, vàng ít bị ảnh hưởng bởi các thay đổi chính sách và có thể được sử dụng như một tài sản thế chấp có giá trị. Trong một số trường hợp, vàng cũng có thể giúp các quốc gia – như Nga – tránh bị tác động nặng nề bởi một số lệnh trừng phạt quốc tế. Bởi vàng có thể được dùng để duy trì thanh khoản trong trường hợp các phương tiện tài chính khác bị chặn hoặc khó tiếp cận.

Theo WGC, các ngân hàng trung ương trên thế giới tin rằng dự trữ vàng chính thức trên toàn cầu sẽ tăng trong thời gian 1 năm tới. Dự báo giá vàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác tăng cường dự trữ vàng.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....