(GVNET) – Biện pháp bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước đang đạt được những hiệu quả tích cực khi kéo giá vàng miếng SJC về gần với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn điều phải cải thiện như việc rất nhiều người có nhu cầu nhưng chưa thể tiếp cận được vàng miếng với giá “bình ổn”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chỉ thị, Công điện về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, trong đó giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chủ động nắm bắt tình hình để đề xuất, triển khai các biện pháp nhằm quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối và vàng.
Thực hiện chủ trương thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường vàng và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Cụ thể, từ khi 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank BIDV, Vietcombank, VietinBank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân theo phương án mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giá vàng đã được thu hẹp khoảng cách giữa trong nước và quốc tế ở mức phù hợp, cho thấy phương án này bước đầu đã đạt hiệu quả và nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của dư luận.
Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đánh giá các biện pháp can thiệp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đã mang lại hiệu quả, thu hẹp được chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cũng thừa nhận nếu Ngân hàng Nhà nước không can thiệp thị trường vàng, để giá chênh cao sẽ tác động tiêu cực như buôn lậu, trốn thuế, mất cân đối cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá và vĩ mô.
Trong quá trình nỗ lực khắc phục và triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng, những ngày qua đã xuất hiện một số tin đồn thất thiệt về việc nguồn cung vàng khan hiếm, làm dấy lên lo ngại trong người dân và doanh nghiệp về diễn biến khó lường tiếp theo của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đủ nguồn vàng cho nhu cầu chính đáng và hợp pháp, thông tin thiếu vàng là thất thiệt.
Trong cuộc họp với các ngân hàng và doanh nghiệp vàng gần dây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Vàng miếng bán ra bị giới hạn, người dân khó mua vàng
Thay vì bán trực tiếp, cả 5 đơn vị bán vàng bình ổn đều đã chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến, khi những thách thức mới đã xuất hiện, như việc lượng người mua quá đông hoặc không thể mua; thậm chí có hiện tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế; nhiều người không mua được vàng dẫn đến tạo tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường.
Tuy nhiên, việc đặt mua vàng online cũng gặp nhiều khó khắn khi lượng vàng bán ra bị giới hạn. Tại Công ty SJC, khách hàng chỉ được mua 1 lượng/lần và sau 2 tuần mới được mua lại. Còn tại các ngân hàng, mỗi khách hàng được mua tối đa 1 lượng/lần/tuần.
Bên cạnh đó, hệ thống đăng ký mua vàng trực tuyến cũng không phải lúc nào cũng đủ mạnh để xử lý lượng truy cập lớn đột ngột vào thời điểm mở bán, dẫn đến sự cố kỹ thuật như đứt kết nối, trang web tải chậm, hoặc lỗi đăng nhập, tạo thêm bất tiện cho người mua.
Theo chuyên gia, các biện pháp chính sách mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đã giúp bình ổn thị trường vàng, giúp thu hẹp mạnh mẽ chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đồng thời mang đến kênh mua vàng thuận tiện cho người dân, người dân không cần phải xếp hàng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải cải thiện, rất nhiều người vào đăng ký mua vàng nhưng đều được thông báo các ngân hàng không nhận thêm đơn hàng nữa, nhiều người không thể truy cập được vào hệ thống online của các ngân hàng.
Về phía các đơn vị tham gia bán vàng miếng SJC đều khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ để tạo sự thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vàng thực, loại bỏ việc đầu cơ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục tối ưu quy trình cung ứng vàng và bán vàng cho người dân, tiếp tục đưa việc bán vàng lên app (ứng dụng), thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo sự minh bạch và tiện lợi.
Đề xuất áp dụng thuế
Theo quy định Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về thị trường vàng. Việc điều hành thị trường vàng, cần căn cứ vào diễn biến bối cảnh trong nước, quốc tế, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế vĩ mô để quyết định thời điểm, mức độ, liều lượng can thiệp thị trường vàng phù hợp.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp như thuế, hải quan, thuế VAT hay thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc để giám sát được thị trường này.
Tuy nhiên ông Nghĩa cũng lưu ý, nếu thuế cao quá thì sẽ kích thích buôn lậu vàng trở lại. Muốn vậy thì phải có giải pháp quản lý tổng thể để thị trường vàng hoạt động một cách minh bạch, với hệ thống hóa đơn, chứng từ chặt chẽ.
Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị định 24.
Giavang.net