(GVNET) – Audio
Tiêu điểm phiên 13/6: Chỉ số CPI và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần
Các tin quan trọng vừa công bố
- Úc: Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4% trong tháng 5 từ mức 4,1% trong tháng 4 như dự kiến. Thay đổi việc làm đạt mức +39,7 nghìn – vượt qua kỳ vọng của thị trường là +30 nghìn.
- Châu Âu: Sản lượng công nghiệp tháng 4 giảm 0,1% hàng tháng và giảm 3% hàng năm – tệ hơn dự báo tăng 0,1% và giảm 1,9% tương ứng.
- Thụy Sỹ: Chỉ số CPI tháng 5 giảm 0,3% hàng tháng (trái ngược dự báo tăng 0,5%) và giảm 1,8% so với cùng kì năm ngoái.
Đồng đô la Mỹ (USD) ổn định trong phiên Á – đầu phiên Âu ngày thứ Năm sau khi chịu áp lực lớn trước các đối thủ chính do dữ liệu lạm phát yếu vào thứ Tư.
Cục Thống kê Lao động cho biết lạm phát ở Mỹ, được đo bằng sự thay đổi của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đã giảm xuống 3,3% hàng năm trong tháng 5 từ mức 3,4% trong tháng 4. CPI lõi hàng năm, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 3,4%, so với ước tính của các nhà phân tích là 3,5%. Xét về sự thay đổi hàng tháng, CPI không thay đổi, trong khi CPI cơ bản tăng 0,2%. Chỉ số USD quay đầu giảm xuống dưới 104,50 ngay sau khi tin ra.
Cuối ngày, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo rằng họ không thay đổi các thiết lập chính sách sau cuộc họp tháng 6 như dự đoán. Bản tóm tắt các dự báo kinh tế sửa đổi, biểu đồ dotplot, cho thấy 4 trong số 19 quan chức nhận thấy không có đợt cắt giảm lãi suất nào vào năm 2024, 7 quan chức dự kiến giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps), trong khi 8 quan chức cho rằng lãi suất giảm 50 điểm cơ bản.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận dữ liệu lạm phát đáng khích lệ trong tháng 5 nhưng nói rằng họ cần xem thêm “dữ liệu tốt” để củng cố niềm tin vào lạm phát bền vững hướng tới mục tiêu 2%. Powell nhắc lại thêm cách tiếp cận chính sách phụ thuộc vào dữ liệu giúp USD hồi phục. Sau cuộc họp của Fed, chỉ số S&P 500 tăng 0,85%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,3%, trong khi chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones mất 0,1%.
Các tin tức cần chú ý trong phiên hôm nay
- Mỹ: Chỉ số giá sản xuất tháng 5 – Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần.
- Mỹ: Bài phát biểu của Bộ trưởng tài chính Yellen, bài phát biểu của quan chức FOMC Williams.
- Châu Âu: Bài phát biểu của quan chức ECB: Schnabel.
Tỷ giá
Bảng dưới đây cho thấy tỷ lệ phần trăm thay đổi của Đô la Mỹ (USD) so với các loại tiền tệ chính được niêm yết trong tuần này. Đô la Mỹ yếu nhất so với Đô la New Zealand.
EUR/USD đã tăng trên 1,0850 vào thứ Tư nhưng đã xóa đi một phần lợi nhuận hàng ngày trong phiên giao dịch Mỹ. Đồng tiền chung giữ ổn định ở mức khoảng 1,0800 vào đầu phiên Âu.
GBP/USD chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, trên 1,2850 vào thứ Tư nhưng không dễ dàng duy trì mức cao. Hiện tại, đồng bảng đang giảm về còn 1,2780USD.
USD/JPY ghi nhận mức lỗ nhỏ vào thứ Tư và tăng trở lại trên mức 157,00 vào sáng thứ Năm tại Châu Âu. Ngân hàng Nhật Bản sẽ công bố các quyết định chính sách tiền tệ vào sáng mai.
Sau khi tăng gần 1% vào thứ Tư, AUD/USD đã phải vật lộn để kéo dài đà tăng bất chấp dữ liệu việc làm lạc quan và rút lui về khu vực 0,6650 vào thứ Năm.
Vàng – Tiền kĩ thuật số
Vàng đạt mức tăng khiêm tốn trong ngày giao dịch thứ ba liên tiếp vào thứ Tư. Tuy nhiên, với việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ổn định trên 4,3% sau đợt giảm mạnh hôm thứ Tư, Vàng (XAU/USD) khó thu hút được những nhà đầu cơ giá lên. Hiện vàng giao dịch trên mốc $2310.
Thị trường tiền kĩ thuật số diễn biến tương tự vàng khi tăng sau tin lạm phát nhưng giảm trở lại vì quyết sách của Fed. BTC/USD hiện đang neo ở 67.000USD còn ETH/USD ở mốc 3488USD.
Giavang.net