Trong một thập kỷ, giá vàng biến động dữ dội. Từ mức giá 34,78 triệu đồng/lượng năm 2013, nay giá vàng SJC đã vọt lên sát mốc 72 triệu đồng/lượng, tăng 37,14 triệu đồng/lượng.
Người vay vàng như ngồi trên đống lửa
Sáng 22/11, chị Hồ Phương Thảo ở Thanh Trì (Hà Nội) quyết định mua 2 lượng vàng SJC với giá 71,92 triệu đồng/lượng sau nhiều lần cân nhắc. Số vàng này, chị dùng để trả nợ vay mua nhà cách đây chục năm.
Chị kể, cuối năm 2013 vợ chồng chị mua một căn nhà chung cư. Song tiền không có đủ nên phải vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng, người thân cho vay 2 lượng vàng. Khi đó chị đem bán giá vàng chỉ 35,4 triệu đồng/lượng.
Vợ chồng chị tính toán tích cóp tiền ưu tiên trả nợ ngân hàng trước vì phải gánh lãi vay, còn nợ vàng khi nào có thì trả.
Chủ quan người cho vay vàng không hỏi, vợ chồng chị cũng không vội trả. Thế nên, món nợ vàng này đã kéo dài chục năm nay. “Tháng trước, người cho vay nhắc khoản nợ này. Chúng tôi tá hoả vì giá vàng đã tăng gấp đôi so với thời điểm vay”, chị nói.
Hai lần vay vàng mua nhà trong 10 năm qua cũng khiến anh Phan Văn Đăng (ở Hà Đông, Hà Nội) như “ngồi trên đống lửa”, bởi giá vàng tăng dựng đứng.
Anh tâm sự, lần đầu tiên mua nhà anh phải vay 4 lượng vàng. Giá vàng khi đó chỉ 36-37 triệu đồng/lượng. Giữa năm 2020, vợ chồng anh quyết định bán nhà cũ để chuyển sang mua chung cư thuận tiện cho công việc. Thế nhưng, tiền bán nhà cũ và tiền tích cóp vẫn chưa đủ nên anh phải vay thêm 3 lượng vàng và đem bán với giá 55 triệu đồng/lượng.
Đến nay, 7 lượng vàng vay mua nhà vẫn chưa trả, giá vàng thì ngày càng tăng mạnh. Anh Đăng nhẩm tính, nếu bây giờ trả cả 7 lượng vàng, anh phải chi ra số tiền hơn 500 triệu đồng, trong khi lúc vay đem bán chỉ được khoảng 310 triệu đồng.
“Tôi đang phân vân có nên vay tiền ngân hàng để mua vàng trả nợ hay không. Vì lãi suất hiện nay không quá cao, trong khi giá vàng thời gian tới không biết sẽ tăng hay giảm”, anh chia sẻ.
Giá tăng gấp đôi sau một thập kỷ biến động
Ở nước ta, với nhiều người, vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến. Kim loại quý này còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Song, trong một thập kỷ qua, giá vàng có sự biến động dữ dội.
Năm 2013, được xem như một năm thất bại lớn đối với vàng trên nhiều phương diện. Không những giá vàng giảm mạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ, kim loại quý này còn không được các nhà đầu tư xem trọng như những năm trước.
Theo đó, trong phiên giao dịch đầu tiên năm 2013, giá vàng SJC niêm yết ở mức 45,7-46,32 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Nhưng chốt phiên giao dịch cuối năm này, giá vàng lao dốc còn 34,7-34,78 triệu đồng/lượng. Tức, chỉ trong vòng một năm giá vàng giảm 11-11,54 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), đồng thời chấm dứt chuỗi 12 năm tăng giá liên tục của kim loại quý này.
Trong năm 2014-2015, giá vàng tương đối ổn định, có biến động tăng giảm nhưng không mạnh. Giá vàng SJC chốt phiên giao dịch năm 2015 ở mức 32,75 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm 2,45 triệu đồng/lượng so với mức 35,2 triệu đồng/lượng chốt phiên cuối năm 2014.
Năm 2016, giá vàng bật tăng, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 3 năm liền từ 2013-2015. Ở phiên giao dịch cuối năm này, vàng SJC có giá 36,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 3,35 triệu đồng/lượng so với phiên đầu năm.
Hai năm sau đó, giá vàng giao dịch quanh mốc 35,13-36,64 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Mức đỉnh rơi vào ngày 9/9/2017 khi giá vàng vọt lên 37,5 triệu đồng/lượng.
Từ năm 2019 đến nay, giá vàng bước vào chu kỳ tăng dữ dội. Cụ thể, đầu năm 2019 giá vàng ở mốc 36,58 triệu đồng/lượng, đến cuối năm đã vọt lên 42,6 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 6,02 triệu đồng/lượng (tăng 16,5%).
Năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra và lây lan nhanh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Giá vàng SJC từ mức 42,75 triệu đồng/lượng đã đạt đỉnh vào 60,32 triệu đồng/lượng vào ngày 9/8. Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, giá vàng được niêm yết ở mức 56,1 triệu đồng/lượng, tăng 13,35 triệu đồng/lượng so với phiên đầu năm.
Giá vàng tiếp tục xu hướng tăng từ năm 2021 đến nay. Trong đó, phiên đầu tiên của năm 2021, giá vàng được giao dịch ở mức 56,7 triệu đồng/lượng, chốt phiên cuối năm kim loại quý này có giá 61,45 triệu đồng/lượng, tăng 4,75 triệu đồng/lượng. Năm 2022, giá vàng cũng tăng 4,9 triệu đồng/lượng, lên mức 66,7 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, sự biến động của vàng chịu tác động từ yếu tố dịch bệnh, lạm phát, chính sách tiền tệ và đồng USD tăng giá.
Đà tăng của giá vàng tiếp tục được duy trì trong năm nay khi giá vàng từ 67 triệu đồng/lượng đã nhảy lên lên sát mốc 72 triệu đồng/lượng (ngày 22/11).
Tính ra, trong một thập kỷ (2013-2023), lấy mốc phiên giao dịch cuối năm, giá vàng đã tăng 37,14 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 107%. Theo đó, từ mức giá 34,78 triệu đồng/lượng năm 2013, nay giá vàng SJC đã vọt lên sác 72 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá trị đồng USD vẫn cao, vì thế có lực đẩy giá vàng xuống. Tuy nhiên, tình hình lạm phát của Mỹ vẫn còn rất căng nên cũng là lực đẩy giá vàng lên.
Theo ông, giá vàng trên thế giới bị giằng co giữa lực đẩy lên và đẩy xuống. Giá vàng thế giới dù đã giảm chút nhưng vẫn ở xu hướng tăng. Giá vàng trong nước đi theo giá vàng thế giới nên tăng và hiện đã vượt ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Những vấn đề kinh tế ở Việt Nam chưa khả quan là yếu tố tiếp tục đẩy giá vàng trong nước lên.
Có thể giá vàng trong nước sẽ tăng lên mức 72-73 triệu đồng/lượng, nhất là thời điểm cuối năm gần lễ Tết, nhu cầu về vàng tăng cao, ông Hiếu nhận định.
Theo Vietnamnet