Theo dữ liệu vừa được công bố, trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống, trên toàn nước Nhật đã tăng 2,8% so với cùng kỳ, dánh dấu lần đầu tiên giảm xuống dưới 3% kể từ tháng 8/2022, đồng thời cũng thấp hơn mức 3,1% trong tháng Tám.
Dữ liệu cho thấy, hóa đơn tiện ích giảm phản ánh tác động trễ của việc giá dầu giảm trong quá khứ, giúp lạm phát giảm xuống dưới 3% lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022.
Giá thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng 8, một dấu hiệu cho thấy áp lực tăng chi phí đang giảm bớt.
Chỉ số lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí nhiên liệu và thực phẩm tươi sống và được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) theo dõi chặt chẽ như một thước đo tốt hơn về xu hướng lạm phát, đã tăng 4,2% trong tháng 9 so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 4,3% trong tháng 8.
Shinke Yoshiki, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết, trong khi lạm phát có thể sẽ giảm bớt trong những tháng tới, giá dầu lại tăng đột biến và đồng Yen giảm liên tục có thể thúc đẩy các công ty tăng giá trở lại.
Ông nói: “Có sự không chắc chắn mạnh mẽ về tốc độ giảm lạm phát dự kiến”, đồng thời cho biết thêm rằng lạm phát cơ bản có thể không giảm xuống dưới 2% cho đến nửa cuối năm 2024.
Có nhiều đồn đoán rằng BoJ sẽ sớm chấm dứt lãi suất ngắn hạn âm và kiểm soát đường cong lợi suất, đặt ra mức trần 0% cho lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, nhằm đối phó với áp lực lạm phát ngày càng gia tăng.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang cảm thấy khó khăn do giá cả tăng cao, tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát tiếp tục giảm.
Nhật Bản chứng kiến giá cả tăng kể từ sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine, trong khi đồng yen xuống giá cũng khiến hàng hóa nhập khẩu tăng giá.
Không như các ngân hàng lớn khác, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng khi nhận định lạm phát sẽ giảm, khiến đồng yen chịu thêm sức ép.
Giavang.net