ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 15/8
- Châu Âu: Chỉ số cảm tính kinh tế tháng 8 của Zew ở mức -5,5; tốt hơn dự báo là -12 và mức -12,2 của tháng 7.
- Đức: Tình trạng hiện tại của Zew tháng 8 đạt -71,3 – tệ hơn dự báo là -63 và mức -59,5 của tháng 7.
- Đức: Chỉ số cảm tính kinh tế tháng 8 của Zew đạt -12,3 – tốt hơn dự báo và số liệu tháng 7 là -14,7.
- Mỹ: Doanh số bán lẻ lõi tháng 7 tăng 1% hàng tháng.
- Mỹ: Doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 1% hàng tháng và tăng 3,17% hàng năm – tốt hơn nhiều dự báo là 0,1% và 1,5% tương ứng.
- Mỹ: Kiểm soát bán lẻ tháng 7 tăng 1% – tốt hơn dự báo là 0,2%.
- Mỹ: Chỉ số sản xuất Empire State tại NY tháng 8 đạt -19 – tốt hơn dự báo là -1.
- Mỹ: Chỉ số giá nhập khẩu tháng 7 tăng 0,4% hàng tháng và giảm 4,4% hàng năm, tốt hơn dự báo tăng 0,2% và giảm 6,5% tương ứng.
- Mỹ: Chỉ số giá xuất khẩu tháng 7 tăng 0,7% hàng tháng và giảm 7,9% hàng năm; tốt hơn dự báo là 0,2% và và giảm 14,1%.
- Canada: CPI tháng 7 tăng 0,6% hàng tháng và tăng 3,3% hàng năm – cao hơn dự báo là 0,3% và 3% tương ứng
- Canada: CPI Lõi tháng 7 tăng 0,5% hàng tháng và tăng 3,2% hàng năm – cao hơn dự báo là 0,4% và 2,8% tương ứng.
- Mỹ: Hàng tồn kho kinh doanh tháng 6 không tăng, tốt hơn dự báo là tăng 0,1%.
Chứng khoán Mỹ đỏ suốt cả phiên, nhiều cổ phiếu Tài chính bị bán tháo
Phố Wall mở phiên thứ Ba 15/8 trong sắc đỏ và chứng kiến áp lực bán xuyên suốt trong cả ngày. Các chỉ số đóng cửa ở sát mức thấp nhất phiên và đều giảm khoảng 1% giá trị.
Cụ thể, chốt phiên 15/8, chỉ số Dow Jones rớt 361,24 điểm (tương đương 1,02%) xuống 34.946,39 điểm, đứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số S&P 500 mất 1,16% còn 4.437,86 điểm và khép phiên dưới mốc trung bình động 50 phiên – một động thái có thể báo hiệu sự bắt đầu của xu hướng giảm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,14% xuống 13.631,05 điểm.
Ngày 15/8 đánh dấu phiên đầu tiên cổ phiếu VinFast (VFS) được giao dịch trên sàn Nasdaq sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập với công ty Black Spade Acquisition.
Trái ngược với đà giảm của thị trường, cổ phiếu VinFast đã giao dịch thăng hoa, tăng tới hơn 68% trong phiên. Cổ phiếu VFS mở cửa ở mức 22 USD/cp và tăng mạnh lên 37,06 USD/cp vào cuối ngày. Cổ phiếu của Black Spade Acquisition chốt phiên ngày 14/8 ở mức 10,45 USD.
Trong khi đó, cổ phiếu nhóm ngân hàng diễn biến khá tiêu cực. Cụ thể, JPMorgan Chase và Wells Fargo đi xuống khoảng 2%, Bank of America giảm 3%. SPDR S&P Regional Banking ETF (KBE) giảm khoảng 3%.
Trên bảng điện S&P 500, cả 11 nhóm ngành đều đi xuống, dẫn đầu là cổ phiếu Tiêu dùng không thiết yếu – nhóm ngành nhạy cảm với lãi suất tăng.
Tỷ giá
Đóng phiên 15/8, Chỉ số DXY nhích nhẹ 0,03% lên mốc 103,200 – xác nhận 4 phiên tăng liên tiếp.
- Cặp EUR/USD hạ nhẹ 0,04% về 1,09014.
- Cặp GBP/USD tiến 0,16% chạm mốc 1,27001.
- Cặp USD/JPY tăng không đáng kể 0,01% đóng phiên ở 145,102 – mở rộng chuỗi tăng ngày thứ 7 liên tiếp.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đóng phiên 07/8 tại 4,217% (+0,48% trong ngày).
Kinh tế Trung Quốc yếu đi – triển vọng nhu cầu dầu ảm đạm theo
Giá dầu giảm hơn 1% vào thứ Ba do dữ liệu kinh tế chậm chạp của Trung Quốc cùng với lo ngại rằng việc Bắc Kinh bất ngờ cắt giảm lãi suất chính sách không đủ mạnh để khôi phục lại quá trình phục hồi của nước này sau đại dịch.
Kết thúc phiên thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 1,31 USD (tương đương 1,5%) xuống 84,90 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,44 USD (tương đương 1,8%) còn 81,07 USD/thùng.
Việc cắt giảm nguồn cung của Ả-rập Xê-út và Nga, một phần thuộc nhóm OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, đã giúp thúc đẩy giá dầu tăng cao trong 7 tuần qua.
Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp và dữ liệu doanh số bán lẻ của Trung Quốc vào ngày thứ Ba cho thấy nền kinh tế nước này trì trệ hơn trong tháng trước, gia tăng áp lực lên tốc độ tăng trưởng vốn đã chững lại và khiến các nhà chức trách phải hạ lãi suất để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
SPDR liên tục bán vàng tại vùng giá thấp
Đóng phiên 15/8, vàng giao ngay ít thay đổi, ở mức $1905,19/oz, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 29/6 là $1895,50. Giá vàng kỳ hạn tương lai của Mỹ giảm 0,5% xuống $1935,2.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR bán 1,44 tấn vàng trong phiên thứ Hai. Lượng vàng nắm giữ của quỹ giảm còn 894,43 tấn.
Kết luận
Thị trường tài chính gặp khó khăn trong phiên giao dịch thứ Ba khi loạt số liệu kinh tế từ Mỹ cho thấy tiêu dùng vẫn khá mạnh bất chấp lãi suất ở mức cao nhất nhiều năm. Đồng thời, lạm phát tăng cao tại Canada có thể là động lực để BOC tiếp tục xu hướng thắt chặt trong thời gian tới. Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng khó khăn hơn khi lãi suất cao và rủi ro về nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn, buộc Ngân hàng trung ương phải can thiệp bằng việc hạ lãi suất.
Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư cần xem xét kĩ số liệu lạm phát Anh, Tăng trưởng khu vực châu Âu cũng như thị trường lao động Mỹ, hoạt động sản xuất, công nghiệp Mỹ để có cái nhìn tổng quan hơn về kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, vào lúc 18h GMT, biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed sẽ được công bố, đây có thể là manh mối cho các nhà đầu tư để họ có cái nhìn rõ hơn về thái độ của quan chức Fed đối với việc thay đổi lãi suất trong tương lai.
Giavang.net