24 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Đầu tư Đầu tư hàng hoá Tin mới nhất

Giá khí đốt tự nhiên tăng nhẹ với mức điều chỉnh dưới 0,5%

Giá gas hôm nay (13/10) tăng 0,23% lên 6,45 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2022 vào lúc 10h55 (giờ Việt Nam).

Các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc sẽ đứng ngoài thị trường giao ngay trong mùa Đông này do tăng trưởng nhu cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002. Điều này có nghĩa là quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hàng đầu thế giới này sẽ tránh cạnh tranh với Châu Âu về nguồn cung cấp nhiên liệu.

Nhu cầu LNG của Trung Quốc giảm đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất trong năm nay, giúp giảm bớt áp lực lên thị trường toàn cầu và cung cấp các khoản cứu trợ rất cần thiết cho châu Âu sau khi nhà cung cấp hàng đầu Nga cắt đường ống dẫn khí đốt sau khi xung đột với Ukraine.

Tổng nhập khẩu LNG của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm mạnh trong năm đầu tiên kể từ năm 2006. Theo ước tính từ các cơ quan tư vấn JLC, ICIS và Rystad Energy là từ 65 triệu đến 67 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục 78,9 triệu tấn vào năm 2021.

Theo ước tính từ ông Ricki Wang, Nhà phân tích của JLC, các lô hàng trong quý IV có thể giảm 20% so với năm 2021 xuống còn 22,4 tỷ mét khối, tương đương 16,4 triệu tấn.

Bà Alex Siow, Chuyên gia Phân tích LNG và khí đốt hàng đầu của ICIS, cho biết, về cơ bản, việc Trung Quốc ngừng đấu thầu mua hàng giao ngay là rất tốt vì có ít hơn một bên để tranh giành hàng hóa.

Các nhà phân tích tại JLC, SIA Energy và Rystad Energy dự đoán mức tiêu thụ khí đốt nói chung của Trung Quốc sẽ giữ ổn định hoặc thậm chí giảm 2% xuống khoảng 370 tỷ mét khối trong năm nay – mức tăng trưởng chậm nhất kể từ ít nhất là năm 2002.

Mặt khác, nhập khẩu LNG cũng giảm sau khi giá giao ngay tại châu Á tăng mạnh trong mùa Hè này và đạt đỉnh kỷ lục 70 USD/mmBTU, do châu Âu tăng cường nhập khẩu để bổ sung hàng tồn kho sau sự gián đoạn của Nga.

Với giá bán buôn của Trung Quốc giới hạn ở mức khoảng 20 USD/mmBTU, điều đó có nghĩa là lỗ hơn 100 triệu USD cho mỗi hàng hóa.

Theo nguồn tin từ Reuter, tập đoàn JOVO Energy của Trung Quốc cũng dự kiến ​​sẽ cắt giảm nhập khẩu 20% vào mùa Đông này so với năm 2021.

Họ sẽ không mua hàng giao ngay trong mùa Đông này, mà tập trung vào việc vận chuyển hàng ngắn hạn đã ký năm ngoái và hàng có kỳ hạn, theo một lãnh đạo của Tập đoàn JOVO Energy.

Các công ty kinh doanh hàng hoá cho biết, trái ngược với việc các công ty độc lập né tránh mua khí đốt giao ngay, các công ty năng lượng nhà nước lớn như PetroChina và Sinopec sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt giao ngay để lấp đầy khoảng trống nguồn cung.

PetroChina, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất của Trung Quốc và là khách hàng hàng đầu của đường ống dẫn khí đốt từ Nga và Trung Á đang được nhiều người cho là công ty tích cực nhất trong việc tối ưu hóa hàng hóa.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....