Tóm tắt
- Vàng thế giới giảm khi đồng USD hồi phục.
- SJC giảm mạnh giá mua để “rút thun” khoảng cách mua – bán.
- Vàng nhẫn cũng thiếu tích cực với xu hướng giảm chung.
Nội dung
Vàng Nhẫn 9999
Vàng nhẫn 9999 tại thương hiệu SJC cuối ngày 27/8, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 51,55 – 52,45 triệu đồng/lượng, giá mua và bán cùng giảm 150.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần (22/8).
Nhẫn Vàng Rồng Thăng Long BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 51,71 – 52,46 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (22/8).
Vàng miếng SJC
Cùng thời điểm trên, vàng miếng SJC tại thương hiệu SJC niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,00 – 66,80 triệu đồng/lượng, mua vào giảm 100.000 đồng/lượng, bán ra giảm 300.000 đồng/lượng (tương đương 0,4%) so với giá mở cửa phiên đầu tuần (22/8).
Bảo Tín Minh Châu, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 66,02 – 66,79 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua, giảm 270.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (22/8).
Xuống 66,8 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đang giao dịch tại mức thấp nhất trong tuần và cũng là mức giao dịch thấp nhất trong tháng 8 tới thời điểm hiện tại.
Với biên độ giảm mạnh hơn ở chiều bán, chênh lệch mua – bán của vàng miếng được thu hẹp đáng kể từ mức 1 triệu đồng ở tuần trước, xuống 800.000 đồng trong tuần này.
Khoảng cách chênh lệch với giá giá vàng thế giới giảm nhẹ xuống 17,5 triệu đồng, từ 17,6 triệu đồng cuối tuần trước. Trong tuần, có thời điểm chênh lệch giữa hai thị trường giảm mạnh xuống 16,8 triệu đồng, nhưng lại không duy trì được lâu.
Đối với vàng nhẫn 9999: Trong tuần này, vàng nhẫn có nhịp giảm chậm hơn so với vàng miếng SJC nên chênh lệch giữa hai mặt hàng này được thu hẹp xuống 14,4 triệu đồng, từ 14,6 triệu đồng cuối tuần trước. Trong khi đó, chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng thế giới tăng nhẹ lên 3,1 triệu đồng, từ 3 triệu đồng ở tuần trước.
Biên độ chênh lệch giá mua – bán của vàng nhẫn không thay đổi so với tuần trước – duy trì ngưỡng 900.000 đồng.
Nhìn chung cả tuần, vàng miếng và vàng nhẫn đều có sự điều chỉnh tương đối sát với giá vàng thế giới, nên biên độ chênh lệch biến động không quá mạnh.
Với diễn biến ảm đạm của giá vàng, thị trường vàng cũng tương đối ảm đạm. Ghi nhận thông tin khảo sát tại cửa hàng vàng ở Hà Nội cho thấy, nhu cầu mua vàng miếng SJC có xu hướng giảm do nhà đầu tư e ngại chênh lệch giá mua vào bán ra cao và đặc biệt vàng SJC vẫn rất cao so với giá vàng thế giới.
Trong khi đó, người dân chủ yếu tìm đến với sản phẩm vàng trang sức và nhẫn trơn 9999, nhất là trang sức cưới khi chuẩn bị đến mùa cưới năm 2022. Thêm vào đó, với mức chênh lệch khoảng 3 triệu đồng của vàng nhẫn và nhẫn 9999 với giá vàng thế giới, thì mức độ rủi ro đối với nhà đầu tư sẽ được hạn chế.
Theo giới phân tích, đối với vàng SJC, biến động giá cao nhưng đi kèm cũng là rủi ro lớn. Trong khi đó, mức chênh lệch giá vàng quá lớn, cho nên nhà đầu tư cần lưu ý khả năng có sự can thiệp của cơ quan nhà nước hoặc có sự thay đổi chính sách về vàng miếng. Nếu điều đó xảy ra thì có khả năng giá vàng SJC sẽ giảm xuống gần sát vàng thế giới. Như vậy, nếu nhà đầu tư mua vùng giá cao, thì khả năng thua lỗ là cực lớn.
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần (27/8) đứng ở ngưỡng 1.736,5 USD/ounce, giảm hơn 10 USD/ounce (tương đương 0,6%) so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.570 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 49,35 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/8) sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tái khẳng định tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát, giá vàng thế giới đã “bốc hơi” hơn 1% và kết tuần với mức giảm 0,6 % – ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Phát biểu của ông Powell đưa đồng USD tăng giá trở lại sau hai phiên giảm liên tiếp. Đồng bạc xanh tăng giá gây thêm áp lực giảm lên giá vàng, vì kim loại quý này được định giá bằng USD. Chỉ số USD-Index tăng hơn 0,3%, chốt tuần ở mức hơn 108,8 điểm, theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Ông Jerome Powell cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất theo cách mạnh mẽ để dập tắt lạm phát đang cao nhất trong vòng 40 năm qua, cho dù điều này có thể tạo ra một số tổn thương cho nền kinh tế.
“Chúng tôi đã có bốn lần liên tiếp tăng lãi suất với tổng cộng là 2,25% nhưng vẫn chưa phải là thời điểm để dừng lại hay tạm hoãn việc tăng lãi suất tiếp theo. Lãi suất cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nhưng nếu không khôi phục được sự ổn định của giá cả đồng nghĩa với tổn thất còn lớn hơn”, ông Jerome Powell nói.
Ông Philip Streible, Kinh tế trưởng Quỹ Blue Line Futures (Mỹ) bình luận, những phát biểu của ông Jerome Powell cho thấy Fed đã rất mạnh tay trong việc tăng lãi suất. Vàng sẽ tiếp tục bị giảm giá dưới áp lực lãi suất cao.
Theo ông Bart Melek, Giám đốc hàng hóa Ngân hàng TD Securities, thông điệp Fed đã rất rõ ràng: “Ưu tiên chống lạm phát và sẽ giữ lãi suất cao trong dài hạn. Do đó, vàng được dự báo giảm xuống 1.600 USD/ounce, tương đương 45,5 triệu đồng/lượng cũng không có gì đáng ngạc nhiên”.
Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên môi trường lãi suất tăng thường gây áp lực giảm giá mạnh lên vàng. Cuộc đua lãi suất trên toàn cầu đã khiến giá vàng thế giới giảm khoảng 3,5% từ đầu năm đến nay.
Kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3, Fed đã có 4 đợt nâng liên tiếp với tổng mức tăng 2,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, ông Powell nói rằng “giờ chưa phải là lúc dừng hay tạm dừng”, cho dù điều này đồng nghĩa với tăng trưởng giảm tốc, thị trường việc làm suy yếu và “một chút đau” đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang nghiêng nhẹ về khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì mức tăng 0,5 điểm phần trăm. Sau bài phát biểu của ông Powell, khả năng Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng tới là 54,5% – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Giavang.net