Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng tốc trong tháng 7, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế số hai thế giới trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu suy giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kim ngạch thương mại của quốc gia này trong thời gian tới.
Dữ liệu chính thức được Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 18% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay, cao hơn mức tăng 17,9% ghi nhận trong tháng 6 và vượt xa mức dự báo tăng 15% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Đây chính là một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm nay trong bối cảnh các quy định phòng dịch khắt khe làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh và kéo giảm niềm tin người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, trụ cột của nền kinh tế, tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng.
“Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc một lần nữa gây ngạc nhiên theo chiều hướng tích cực. Lĩnh vực này tiếp tục trợ lực cho nền kinh tế trong một năm đầy khó khăn khi nhu cầu trong nước tiếp tục trì trệ”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của Pinpoint Asset Management cho hay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chậm lại do nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào một giai đoạn suy thoái nghiêm trọng trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao và các ngân hàng trung ương chạy đua lãi suất.
Theo kết quả một khảo sát tư nhân gần đây, nhu cầu hàng hóa đang trong xu hướng giảm với các chỉ số đo lường số lượng đơn hàng và sản lượng sản xuất đều tụt xuống ngưỡng thấp nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tháng 7 của Trung Quốc cũng cho thấy xu hướng giảm của hoạt động sản xuất, làm dấy lên quan ngại quá trình phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những bằng chứng cho thấy tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang có dấu hiệu cải thiện, đúng giai đoạn chuẩn bị cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Lưu lượng container qua 8 cảng biển lớn nhất Trung Quốc tăng 14,5% trong tháng vừa qua, cao hơn so với mức tăng 8,4% tháng 6, theo dữ liệu công bố bởi Hiệp hội cảng nội địa. Lượng container qua cảng Thượng Hải tăng cao kỷ lục trong tháng 7.
Trái với xuất khẩu, bức tranh nhập khẩu của Trung Quốc vẫn èo uột, điều này cho thấy sức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 thấp hơn dự báo khi chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, kết quả này vẫn khá khẩm hơn so với mức tăng 1% trong tháng 6.
Các nhà phân tích kỳ vọng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm, do được thúc đẩy bởi nhu cầu thiết bị và hàng hóa liên quan đến lĩnh vực xây dựng khi chính phủ nước này tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Trong tháng 7, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại kỷ lục 101,26 tỷ USD do giá trị nhập khẩu xuống thấp còn xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng.
Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đánh giá rằng nền kinh tế này đang ở trong “thời kỳ quan trọng” của sự ổn định và phục hồi, và quý thứ ba đóng vai trò “quan trọng”.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc gần đây cũng báo hiệu rằng mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2022 có thể bị bỏ lỡ. Chỉ tiêu này được các nhà phân tích trước đó cảnh báo là ngày càng khó thực hiện sau kết quả kinh tế quý II/2022. Cụ thể, thay vì mức 1% như kỳ vọng, tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II/2022 chỉ đạt 0,4% do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn trước tác động của các biện pháp chống dịch Covid-19.
Vào cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 3,3%, từ mức tăng trưởng 4,4% được dự báo hồi tháng 4, với lý do các đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản ở quốc gia này ngày càng trầm trọng.
Giavang.net