Ngày 9/7, người biểu tình Sri Lanka tràn vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, buộc ông phải tuyên bố từ chức sau một thời gian cố gắng bám trụ.
Giữa sức ép chính trị và áp lực của người biểu tình, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng phải chấp nhận ra đi chỉ sau 2 tháng.
Nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra. Những người biểu tình chiếm dinh tổng thống. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình. Theo các bác sĩ, ít nhất 33 người bị thương trong cuộc bạo loạn.
Áp lực đối với cả hai vị lãnh đạo của nước này ngày càng lớn khi suy thoái kinh tế gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu. Tình trạng trên khiến người dân phải chật vật xoay xở để tìm kiếm thực phẩm, nhiên liệu và các nhu cầu thiết yếu khác.
Hôm 9/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết ông sẽ rời nhiệm sở khi chính phủ mới được thành lập. Vài giờ sau đó, chủ tịch quốc hội Sri Lankanói rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức tổng thống vào ngày 13/7.
Theo hiến pháp Sri Lanka, nếu cả tổng thống và thủ tướng đều từ chức, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena sẽ đảm nhận cương vị tổng thống tạm thời.
Vài năm trước, nền kinh tế Sri Lanka phát triển đủ mạnh để cung cấp việc làm và bảo đảm tài chính cho phần lớn người dân. Giờ đây, kinh tế quốc gia Nam Á đang bên bờ sụp đổ, đất nước phải phụ thuộc vào viện trợ từ Ấn Độ và nhiều nước khác, trong lúc các lãnh đạo phải đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ.
Những gì đang xảy ra ở đất nước 22 triệu dân tồi tệ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng tài chính ở những nước đang phát triển. Nó là sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế, khiến người dân vật lộn tìm lương thực, nhiên liệu và những mặt hàng thiết yếu.
“Tình hình đang nhanh chóng lâm vào vòng xoáy khủng hoảng nhân đạo”, Scott Morris, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, nhận xét. Những thảm họa tương tự thường xuất hiện ở các nước nghèo tại khu vực Hạ Sahara của châu Phi hay Afghanistan, nhưng cũng từng xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình.
Khủng hoảng Sri Lanka bắt nguồn phần lớn từ sai lầm trong quản lý kinh tế, trong khi các vụ tấn công khủng bố hồi năm 2019 và đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ đạo của đất nước. Người dân Sri Lanka cũng không thể ra nước ngoài làm việc và gửi kiều hối về nước vì những lệnh hạn chế đi lại khi Covid-19 hoành hành.
Chính phủ Sri Lanka vay nợ với số lượng lớn và cắt giảm thuế hồi năm 2019, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ ngay trước khi Covid-19 xuất hiện. Dự trữ ngoại hối lao dốc, khiến Sri Lanka không thể trả tiền cho các mặt hàng nhập khẩu hoặc giữ giá đồng rupee.
Người dân Sri Lanka, đặc biệt là dân nghèo, đang hứng chịu hậu quả. Họ phải xếp hàng dài nhiều km để mua xăng và chất đốt, nhưng đôi khi vẫn ra về tay trắng sau những ngày chờ đợi.
Ít nhất 16 người đã thiệt mạng khi chờ mua xăng, trong đó có một người đàn ông 63 tuổi được tìm thấy trong ôtô ở ngoại ô thủ đô Colombo. Nhiều người đã chuyển sang xe đạp hoặc phương tiện công cộng vì không mua được xăng.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và người anh của ông, cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, hai đại diện cho gia đình Rajapaksa đầy quyền lực tại Sri Lanka, từng được ca ngợi như những vị anh hùng vì chiến thắng trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy Những con Hổ giải phóng Tamil (LTTE). Nhưng giờ đây họ phải chấp nhận thực tế là đất nước Sri Lanka cần những nhà lãnh đạo mới, đủ năng lực để đưa đất nước vượt qua khó khăn hiện tại.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay Washington đang theo dõi những diễn biến ở Sri Lanka. Ông cũng kêu gọi quốc hội nước này làm việc nhanh chóng để tìm ra các giải pháp và giải quyết sự bất bình của người dân.
Giavang.net