Đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Giá dầu Brent chốt tuần ở ngưỡng 107,15 USD/thùng, giảm 4% so với tuần trước đó. Giá dầu WTI kết thúc tuần ở ngưỡng 104,8 USD/thùng, giảm 3,4%.
Thị trường việc làm tại Mỹ dường như đang kéo tụt mọi thị trường khác, trừ đồng bạc xanh.
Báo cáo việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 6 của Mỹ một lần nữa cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đánh giá sai sức mạnh của thị trường lao động quốc gia này.
Trong khi số phận của vàng tương đối rõ ràng khi giá trị đồng USD “bùng nổ” trong trường hợp Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong nửa cuối năm nay, số phận của dầu lại mang lại sự thiếu chắc chắn lớn.
Citigroup cho biết giá dầu có thể tụt xuống ngưỡng 65 USD/thùng vào cuối năm nay và tiếp tục giảm xuống mốc 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu như suy thoái ập tới, kéo giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Trong khi đó, Morgan Stanley dự báo giá dầu có thể lập đỉnh 380 USD/thùng.
Mức giá dưới 90 USD trước khi tháng 7 khép lại được nhận định là kết quả khả dĩ nhất đối với “vàng đen” ở thời điểm hiện tại, theo ý kiến một số chuyên gia.
Lý do nhà đầu tư duy trì sự lạc quan đối với giá dầu hiện là tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư sau mỗi đợt bán tháo nghiêm trọng, giống như những gì chúng ta đã được chứng kiến trong tuần vừa qua. Ngay sau khi giá dầu thủng mốc 100 USD/thùng, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng dầu thô đã rơi vào vùng quá bán. Bằng chứng là giá dầu bật tăng trong phiên giao dịch 8/7 vừa qua.
Quay trở lại năm 2020, nhu cầu sử dụng dầu mỏ toàn cầu sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19, khiến cho kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào công tác thăm dò và nâng cấp cơ sở hạ tầng lọc dầu phải hủy bỏ. Chúng ta đang phải trả giá cho việc này ngày hôm nay, bởi mức giá cao đột biến của dầu thô.
Kể từ đầu năm 2022, diễn biến giá dầu phần lớn chịu ảnh hưởng từ ba động lực chính: tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, những chính sách khuyến khích năng lượng sạch và sự “bất lực” của các thành viên OPEC trong quá trình hoàn thành kế hoạch sản lượng của mình.
Nhưng yếu tố thứ 4 đã xuất hiện: rủi ro uy thoái. Lần gần nhất suy thoái ập tới, chúng ta đang trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Nhưng nó trôi qua rất nhanh, chỉ kéo dài trong hai tháng (tháng 3 và 4/2020), trước khi nhu cầu phần lớn hàng hóa, trong đó có dầu mỏ, tăng lên.
Sự phục hồi chớp nhoáng có được là nhờ nỗ lực của Fed khi ngay lập tức tung ra một loạt các chính sách tiền tệ nới lỏng trong khi đó giữ lãi suất ở ngưỡng gần 0%, điều được đánh giá là nguồn cơn cho “cơn đau đầu” ở thời điểm hiện tại.
Lần này, liệu suy thoái có xảy ra và xảy ra trong bao lâu trong thời gian tới vẫn là một câu hỏi lớn.
Dù tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, WTI cần duy trì xung lực tăng giá lên trên ngưỡng 111,5 USD/thùng nếu không muốn tiếp tục xu hướng giảm điểm xuống các mốc 100-95-92USD, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tới từ skcharting.com.
Trong khi chốt tuần ở trên ngưỡng trung bình động EMA 50 tuần 92,6 USD/thùng, giá dầu vẫn thấp hơn dải Bollinger trung bình hàng tuần 108,25 USD/thùng.
Chỉ báo stochastic 38/45 hàng tuần phản ánh giá dầu tiếp tục trong xu hướng giảm. “Giá dầu WTI cần tránh thủng mốc 92 USD, điều có thể đẩy giá mặt hàng này về ngưỡng 88 USD/thùng và 85 USD/thùng.
Kim loại quý
Trong tuần trước, giá vàng giảm 3,3%. Đây là tuần giảm thứ 4 liên tiếp của giá vàng tính từ tuần kết thúc vào ngày 10/6, đồng thời là tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu tháng trước.
Trong thời gian qua, giá vàng chịu ảnh hưởng chủ yếu từ đà tăng giá của đồng USD, hiện ở đỉnh hai thập kỷ, và môi trường lãi suất cao tại Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Điều khiến cho triển vọng giá vàng trở nên “u ám” hơn đó chính là báo cáo việc làm tháng 6 tại Mỹ. Trước khi báo cáo này được công bố, Fed đã phát đi tín hiệu về một đợt tăng lãi suất thêm 0,75% trong tháng 7, tương tự những gì họ đã làm trong tháng trước đó.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, với số liệu mới được công bố, qua đó ghi nhận mức tăng trưởng ổn định thậm chí cao hơn dự báo, liệu Fed có một lần nữa hành động quyết liệt hơn so với những gì họ đã nói? Liệu lãi suất sẽ tăng thêm 0,75% hoặc cao hơn? Trong khi phần lớn nhà đầu tư và giới chuyên gia dự báo mức tăng lãi suất tối đa sẽ là 0,75%, chúng ta không thể loại trừ khả năng Fed sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 1%.
Giá vàng chốt tuần trước thấp hơn dải Bollinger trung bình hàng tuần 1.760 USD/ounce, với chỉ báo stochastic 3/11 hàng tuần cho thấy giá vàng đang tiếp cận vùng quá bán.
“Điều này có thể giúp giá vàng hồi phục trong ngắn hạn, lên các ngưỡng hỗ trợ 1.780-1.810 USD/ounce”, Dixit nhận định. “Nếu như vàng thu hút đủ lực mua và duy trì trên ngưỡng này, đà hồi phục có thể nối dài lên các ngưỡng kháng cự 1.830-1.845-1.880 USD/ounce. Vượt qua ngưỡng 1.880 USD/ounce, triển vọng đối với giá vàng chuyển sang tăng trong trung hạn.
Ngược lại, nếu như không thể duy trì trên vùng giá 1.780-1.810 USD/ounce, giá vàng có thể tụt về vùng 1.697-1.720 USD/ounce”, Dixit cảnh báo. “Nếu như đà bán tháo kéo dài, giá vàng có thể tiếp tục giảm về ngưỡng ngưỡng trung bình động EMA 50 tháng 1.668 USD/ounce và SMA 200 tuần 1.650 USD/ounce.
Theo NDH