Theo CNBC, các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Apple, Nvidia, Amazon và Microsoft đều đóng cửa trong sắc đỏ khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên 1,48%. Trong tháng 9, lợi suất tăng cao đã khiến các cổ phiếu công nghệ đang được định giá cao phải chao đảo.
Phố Wall bị bán khá mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Hai, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 323,54 điểm, tương đương 0,94%, xuống 34.002,92 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 56,58 điểm, tương đương 1,3%, xuống 4.300,46 điểm.
Chỉ số Nasdaq giảm 311,21 điểm, tương đương 2,14%, xuống 14.255,49 điểm.
Đây là mức đóng cửa thấp nhất của Nasdaq và S&P 500 kể từ tháng 7.
Cổ phiếu Apple Microsoft, Amazon và Alphabet, 4 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường Mỹ, đều giảm hơn 2%.
Cổ phiếu Facebook, công ty vốn hóa lớn thứ năm thị trường, lao dốc gần 5% sau khi ứng dụng Facebook và nền tảng chia sẻ ảnh Instagram không thể truy cập, theo website chuyên theo dõi sự cố Downdetector.com.
Tesla tăng 0,8% sau khi đại gia xe điện này công bố doanh số 241.300 xe điện được bán trong quý III, cao hơn nhiều so với ước tính của các chuyên gia.
Cổ phiếu Merck tiếp tục tăng 2,1% sau khi vọt lên hơn 8% trong phiên cuối tuần trước.
Southwest Airlines tăng 1,3% sau khi một nhà phân tích tại ngân hàng Barclays nâng mức khuyến nghị cổ phiếu hàng không này.
Cổ phiếu năng lượng tăng hàng loạt với Exxon Mobil tăng 1,3%, ConocoPhillips thêm 2%, Occidental Petroleum tăng 2,1%
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 4/10 là 11,1 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với trung bình 10,8 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Dầu Brent chạm đỉnh 3 năm, dầu WTI cao nhất từ 2014
Chốt phiên giao dịch ngày 4/10, dầu thô Brent tăng 1,98 USD tương đương 2,5% lên 81,26 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent tăng 1,5% – tuần tăng thứ 4 liên tiếp và đã trở lại mức cao trong năm 2018.
Giá dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,74 USD lên 77,62 USD/thùng, sau khi tăng trong 6 tuần qua và đạt mức cao nhất kể từ năm 2014.
OPEC+ ngày 4/10 quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng nhất trí trước đó, gia tăng áp lực lạm phát mà các quốc gia tiêu thụ lo ngại có thể làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
OPEC+ hồi tháng 7 nhất trí tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, có thể kéo dài tới tháng 4/2022 để phục hồi dần mức cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày hiện tại. OPEC+ cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng thế giới, từ tháng 4/2020 để hỗ trợ giá dầu.
“Do bức tranh toàn cảnh lực cầu và kết quả cuộc họp của OPEC và đồng minh, tâm lý chung liên quan dầu thô là tăng giá”, John Kilduff, nhà phân tích tại Again Capital, New York, nói.
Lực cầu than và khí thiên nhiên đã vượt đỉnh trước Covid-19, theo sau đó là lực cầu dầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). 3/4 lực cầu năng lượng toàn cầu vẫn phải đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, chỉ 1/5 là bằng năng lượng tái tạo phi hạt nhân.
Giavang.net tổng hợp