Mở cửa phiên giao dịch thứ Tư 16/6 tại thị trường châu Âu, USD đảo chiều đi xuống từ mức cao nhất trong vòng hơn 4 tuần qua.
Bảng Anh tăng khá tốt khi các số liệu cho thấy lạm phát xuất hiện tại nền kinh tế này. Chỉ số giá tiêu dùng lõi tháng 5 tăng tới 2% so với cùng kì năm trước, tốt hơn dự báo từ Investing là 1,5% và số liệu tháng 4 là 1,3%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 2,1% so với cùng kì năm trước, tốt hơn dự báo từ Investing là 1,8% và số liệu tháng 4 là 1,4%.
Trong khi đó, đồng Yên lại không được hỗ trợ do dữ liệu thương mại Nhật Bản cho tháng 5 gây thất vọng. Xuất khẩu nước này tăng 49,6% so với cùng kỳ năm ngoái và cán cân thương mại đã giảm với 187,1 tỷ Yên – đều không đạt kì vọng. Tuy nhiên, nhập khẩu đã tăng trưởng 27,9% theo năm, cao hơn so với dự kiến.
Hiện tại, nhà đầu tư đang rất chờ đợi quyết sách của Ngân hàng trung ương Mỹ sau cuộc họp tháng 6 và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed sau đó. Giới thương nhân đồn đoán rằng Fed sẽ bắt đầu nói về việc thu hẹp chương trình mua tài sản do áp lực lạm phát gia tăng và thị trường lao động hồi phục tốt.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 17h23 giờ Việt Nam, tức 10h23 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, lùi 0,04% về mức 90,465 điểm.
Đồng bảng Anh tăng giá khá tốt sau số liệu CPI tháng 5, cặp GBP/USD tiến 0,27%,lên 1,4118.
Đồng tiền chung giảm rất khiêm tốn, cặp EUR/USD lùi 0,03% giá trị, giao dịch ở 1,2120.
Yên Nhật hồi phục rất yếu ớt, cặp USD/JPY lùi 0,12% giá trị, về 109,94 sau khi từng chạm đỉnh 2 tháng tại 110,325.
Franc Thụy Sỹ yếu đi so với đồng bạc xanh, cặp USD/CHF định tại 0,8989 (+0,11%).
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa mạnh lên so với tiền Mỹ, cặp USD/CNY ở mức 6,3975 (-0,12%).
Nhóm tiền tệ ưa thích rủi gồm đô la Úc, tiền tệ New Zealand tăng nhẹ so với USD trong khi đô la Canada giảm khá dè dặt. Cụ thể, USD/AUD mất 0,20%, còn 1,297. Tỷ giá USD/NZD sụt 0,29%, về 1,3998. Ngược lại, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,2183 (+0,02%).
Giavang.net