21 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Lạm phát đã đến lúc không còn là ‘câu chuyện đùa’

Trong khi các nhà kinh tế học đánh giá lạm phát hiện tại chỉ là hiện tượng nhất thời hay sẽ kéo dài, nhà đầu tư rất có thể sẽ muốn cân nhắc lại chiến lược của họ. Tuy nhiên, lạm phát cũng không hoàn toàn là một thứ gì đó quá tồi tệ.

Lạm phát đang dần tăng lên. Và mọi người nên có sự chuẩn bị tốt nhất.

Đừng hiểu sai ý tôi. Lạm phát lần này sẽ khó có thể chạm 14,8% như năm 1980, Jeff Sommer, cây viết mục Chiến lược của New York Times, cho biết. Nhưng chúng ta có đủ bằng chứng chứng minh một làn sóng lạm phát mới sẽ quay trở lại. Câu hỏi đặt ra ở đây là lạm phát là bao nhiêu, kéo dài bao lâu?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo lạm phát trung bình 2,4% trong năm nay, và sẽ giảm xuống còn 2,1% trong năm 2023. Lạm phát hiện tại không phải vấn đề lớn. Các nhà đầu tư dài hạn với danh mục đầu tư đa dạng cổ phiếu và trái phiếu sẽ không quá quan tâm vấn đề này. 

Nhưng với những chuyên gia kinh tế học dạn dày kinh nghiệm, họ cho rằng lạm phát có thể vượt 4% và thậm chí chạm 7% trong vài năm tới. Xác suất điều này trở thành sự thực là dưới 50% nhưng vẫn đủ cao để mọi người đánh giá lại các giả thiết đầu tư của họ.

Mặc khác, nếu như lạm phát gia tăng, Fed sẽ buộc phải thắt chặt các điều kiện tài chính thông qua cắt giảm chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất. Các thị trường chắc chắn sẽ trở nên bất ổn. Trái phiếu sẽ mất giá trị khi lãi suất trái phiếu và giá cả thị trường diễn biến theo chiều ngược lại. Thị trường chứng khoán sẽ không còn giữ được trạng thái ổn định vốn có.

Nguy cơ lạm phát ngày càng hiện rõ. Ảnh: Dalbert B. Vilarino.

Nhưng lạm phát cũng không hoàn toàn là một thứ gì đó quá tồi tệ.

Trong giai đoạn lạm phát, các cổ phiếu thường tăng giá, nhất là đối với những cổ phiếu có cổ tức cao. Giá nhà và hàng hóa như vàng, bạc, đồng cũng tăng. Trái phiếu chính phủ điều chỉnh theo lạm phát (TIPS), trái phiếu chống lạm phát I-bond, đều xuất hiện từ cuối năm 1990, có thể phòng hộ nguy cơ tăng giá.

Các danh mục đầu tư trái phiếu thường mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn khi nhà đầu tư chuyển hướng sang các loại hình tài sản có lợi suất cao hơn. Đây là những điều không hề xa lạ đối với giới đầu tư khi xuất hiện lạm phát, và bạn hoàn toàn cần làm quen với những chiến lược đó.

Kathy A. Jones, chiến lược gia tới từ Trung tâm Schwab về Nghiên cứu Tài chính, cho rằng lạm phát sẽ không tăng quá cao. Bà dự báo lạm phát tăng nhẹ, và bên cạnh đó là lợi suất. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ tăng từ 1,6% lên 2,25% trong năm nay.

“Bạn có thể không muốn nắm giữ trái phiếu dài hạn” bởi vì trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá trị của chúng sẽ giảm mạnh một khi lãi suất tăng, bà cho biết. Các trái phiếu ngắn hạn, và các quỹ tương hỗ trái phiếu, ETF, cũng sẽ vấp phải những thiệt hại nhất định, nhưng các nhà đầu tư dài hạn không cần phải quá lo lắng về điều đó.

Lý do là tổng lợi nhuận từ trái phiếu và các quỹ trái phiếu, được hình thành từ cả giá và lợi nhuận. Lợi suất trái phiếu sẽ tăng, ngay cả khi giá giảm xuống, và nhà đầu tư có kinh nghiệm có thể hoán đổi trái phiếu lợi suất thấp sang các loại hình tài sản đảm bảo có lợi nhuận cao hơn, từ đó tạo ra lợi nhuận ròng cao hơn.

Khi nói đến cổ phiếu, thị trường có thể dậy sóng nếu như Fed có động thái đối phó lạm phát. Điều này từng xảy ra năm 2013, khi Fed có ý định giảm nắm giữ trái phiếu và ngay lập tức thị trường chứng khoán giảm điểm. Nhưng Jeremy J. Siegel, nhà kinh tế học từ Đại học Pennsylvania, tác giả cuốn “Stocks for the Long Run”, nhấn mạnh rằng sau những biến động ban đầu, thị trường chứng khoán sẽ hồi sinh.

Giáo sư Siegel cũng cho rằng một giai đoạn lạm phát mới thực sự đã được “kích hoạt”.

“Tôi dự báo mức lạm phát cộng dồn trong vòng 3 năm tới vào khoảng 20%”, ông cho biết.

Nguồn cung tiền tại Mỹ, hay còn được biết đến với cái tên M2, đã tăng khoảng 30% kể từ khi Fed và chính phủ Mỹ can thiệp vào nền kinh tế trong tháng 3/2020. Với mức độ tăng như vậy, ông cho rằng chắc chắn lạm phát sẽ nổ ra.

Lạm phát trong một năm có thể lên tới 5-7%, ông cho biết. “Ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra”.

Theo Siegel, trong khi Fed thấy cần phải hành động, thị trường khả năng cao không phải đối mặt một vòng xoáy lương – giá đến mức phải dùng “liều thuốc nặng đô” như Paul Volcker triển khai sau khi ông trở thành chủ tịch Fed năm 1979. “Tình hình sẽ dần hạ nhiệt” nhưng Fed vẫn cần tăng lãi suất.

Trong vài năm gần đây, giá cả luôn được giữ ổn định đến nỗi Fed không thể đạt được mục tiêu lạm phát bình quân ở mức 2%/năm.

Nhưng trong nỗ lực nhằm đảm bảo sự phục hồi bền vững của nền kinh tế, nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, Fed cũng sẽ cảm thấy thoải mái khi lạm phát vượt lên trên mốc 2%.

Mức lạm phát ít hơn 3%, có thể không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng với đà tăng mạnh mẽ hơn trong một thời gian dài, giống như đã xảy ra vào những năm 1970 và đầu 1980, lại là vấn đề hoàn toàn khác. Tại thời điểm đó, giá các tài sản thực như nhà cửa, vàng, dầu mỏ đều tăng vọt. Lãi suất các khoản vay thế chấp vượt quá 17%, và lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng ở quanh mức 12%.

Giai đoạn tăng giá hiện tại không nghiêm trọng tới mức như vậy, và vì dịch bệnh, có thể nó cũng có sẽ đôi chút khác biệt. Việc thiếu hụt nguồn cung, việc tiết kiệm của người dân tăng lên, bên cạnh đó là nhu cầu nhiều loại mặt hàng hàng hóa tăng chóng mặt cũng kéo theo giá nhiều loại hàng hóa.

Nhưng những hệ quả có thể sẽ tệ hơn những gì các nhà kinh tế học dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tháng 4 tăng hơn 4,2% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2008. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 3,6% trong tháng 4, cao nhất 13 năm. Bằng việc bỏ qua giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá cơ bản tăng 3,1%, cao nhất kể từ năm 1992.

Fed và chính phủ Mỹ đã bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế, khiến cho lạm phát có thể kéo dài. Giáo sư Siegel không phải là người duy nhất đưa ra nhận định đó. Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm trên.

Ray Fair, giáo sư toán kinh tế Đại học Yale, cho biết có xác suất lạm phát cao hơn 4% trong năm tới và năm tiếp theo sẽ là 30% nếu như Fed không thắt chặt các chính sách tiền tệ. Nhưng ông cũng cho rằng mọi dự đoán đều chỉ mang tính chất tương đối trong bối cảnh hiện tại.

Tôi chắc chắn không thể dự đoán lạm phát. Tôi còn nhớ vào những năm 1970, sẽ không có gì bất hợp lý nếu dự đoán 1 USD sẽ chỉ có giá trị tương đương 0,8 USD trong 3 năm tiếp theo, trừ khi số tiền đó được đầu tư vào chứng khoán, bất động sản hoặc vàng. Nhưng mọi chuyện khác rất nhiều ở thời điểm hiện tại. Lần đầu tiên trong nhiều năm, mọi người nên dành thời gian để nghĩ về lạm phát.

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....