Theo chuyên gia David Lennox của Fat Prophets, giá vàng đang có triển vọng tăng trưởng tương đối ấn tượng và có thể thử nghiệm mức cao mới trong năm nay.
Lạm phát nâng đỡ giá vàng
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới biến động khá trái chiều. Song, đến nay thì giá vàng giao ngay đã tăng khoảng 0,66% – phục hồi phần nào sau cú vấp hồi tháng 3 khiến giá tụt xuống dưới 1.700 USD/ounce.
Tại thời điểm 23h ngày 1/6 (theo giờ Việt Nam) trên goldprice.com, giá vàng giao ngay đang ở quanh mức 1.902 USD/ounce.
Chia sẻ trên chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC, nhà phân tích David Lennox của công ty tư vấn Fat Prophets cho biết dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ cho thấy giá cả hàng hóa đang leo thang.
Bằng chứng là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của tháng 4 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự đoán của giới chuyên gia. Theo CNBC, chỉ số này là thước đo lạm phát ưa thích của các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo lời nhà phân tích Lennox, số liệu lạm phát cao hơn được coi là yếu tố thuận lợi cho vàng, một tài sản vốn được coi là hàng rào chống lạm phát.
“Lạm phát đang quay trở lại vì cung tiền ở Mỹ tăng mạnh”, ông Lennox giải thích. “Trong quá khứ, bất cứ khi nào chúng tôi thấy cung tiền nhảy vọt là lạm phát cũng sẽ tăng cao hơn, có thể là 5 trong 6 tháng sau đó”.
Trên thực tế, công chúng tại Mỹ đang rất quan tâm đến vấn đề lạm phát, khi mà Fed đã và đang bơm một lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế. Từ năm ngoái đến nay, Fed vẫn giữ lãi suất ở mức gần 0 và tăng cường mua Trái phiếu Kho bạc Mỹ để kích thích nền kinh tế bị tổn hại vì đại dịch COVID-19 cũng như giúp cho thị trường tài chính tiếp tục mở rộng.
Giữa tháng 3 năm nay, chuyên gia phân tích Jim Reid của Deutsche Bank cho biết số lượt tìm kiếm cho từ khóa “lạm phát” trên Google đang gia tăng đột biến, thậm chí đạt đỉnh kể từ khi Google bắt đầu thống kê thói quen tìm kiếm của người dùng cách đây 13 năm.
Lần gần nhất từ khóa “lạm phát” trở nên phổ biến như vậy là vào giai đoạn năm 2010 – 2011, khi Mỹ vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ và các gói kích thích tài khóa để vực dậy nền kinh tế tương đương 10% GDP của nền kinh tế.
Dù vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần khẳng định rằng xu hướng tăng của lạm phát chỉ là tạm thời, vì cho đến nay nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa hoàn thành mục tiêu toàn dụng việc làm.
Còn các yếu tố hỗ trợ khác
Ông Lennox còn dự đoán rằng đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu và trở thành động lực tiềm năng cho giá vàng. “Khối nợ ngày càng phình to và cung tiền ngày càng lớn. Bản thân hai yếu tố này gợi ý rằng, đồng bạc xanh sẽ sụt giá trong tương lai”, vị chuyên gia cho hay.
Hơn nữa, nền kinh tế của một số đồng tiền lớn đang giao dịch với đồng USD cũng đang hoạt động tốt hơn so với nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Lennox bổ sung mà không giải thích chi tiết.
“Chúng tôi tin rằng, đồng USD sẽ mất giá hơn nữa và đó sẽ là cơ hội tốt cho giá vàng cũng như các kim loại quý khác”, ông Lennox nói thêm.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư trên khắp thế giới đang không ngừng tìm đến các tài sản an toàn khác để phòng rủi ro lạm phát, nhờ đó mà giá bitcoin có giai đoạn tăng phi mã vì nhà đầu tư tin loại tài sản này đáng xuống tiền hơn vàng.
Song, gần đây bitcoin bắt đầu biến động dữ dội, khiến nhà đầu tư quay lưng và trở lại với vàng – tài sản trú ẩn hấp dẫn và ổn định hơn. Bà Ipek Ozkardeskaya – chuyên gia phân tích của ngân hàng Swissquote cho biết sự phục hồi của giá vàng trùng hợp với sự sụt giảm của giá bitcoin.
Chia sẻ với Kitco News, chiến lược gia Mike McGlone của Bloomberg Intelligence, có cùng quan điểm: “Vàng đang quay trở lại quỹ đạo ổn định trong khi bitcoin lao dốc. Có thể giá vàng đang trong thời kỳ đầu của chu kỳ phục hồi…”
Ông McGlone hy vọng động lực này có thể kéo giá vàng tăng trở lại mức 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, ông kêu gọi các nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường tiền ảo thay vì sớm đi đến kết luận.
Theo Vietnambiz