Nền kinh tế Nhật Bản suy giảm mạnh hơn dự báo trong quý 1/2021 do tiến trình tiêm chủng chậm chạp và số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh gây suy yếu hoạt động tiêu dùng.
Ngày 18/5, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của nước này giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức dự báo giảm 4,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong quý 4/2020, kinh tế Nhật tăng 11,6%.
Tính chung trong tài khóa 2020, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 4,6% so với tài khóa trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu về GDP vào tài khóa 1955 và là năm thứ 2 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này rơi vào suy thoái.
Các nhà phân tích cho rằng, việc ban bố tình trạng khẩn cấp lan ra nhiều địa phương thời gian gần đây có thể khiến sự phục hồi trong quý hai này chỉ ở mức khiêm tốn, làm tăng thêm thách thức cho các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách kéo Nhật Bản ra khỏi tình trạng ảm đạm.
Trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp, người dân được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết, các nhà hàng và quán bar phải rút ngắn thời gian hoạt động. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân, một trong hai trụ cột chính của nền kinh tế Nhật Bản. Cụ thể, trong quý 1/2021, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản, ước giảm 1,4% so với quý trước đó.
“Với cuộc khủng hoảng y tế vẫn đang trở nên tồi tệ và việc triển khai vắc xin quá chậm, phải đến cuối năm nay sản lượng nền kinh tế mới có thể trở lại mức trước khi đại dịch”, Marcel Thieliant, nhà kinh tế cấp cao về Nhật Bản tại Capital Economics, nhận định.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,3% nhờ nhu cầu tiêu thụ ô tô và thiết bị điện tử trên toàn cầu phục hồi, mặc dù tốc độ tăng vẫn chậm lại so với mức tăng 11,7% của quý trước, một dấu hiệu đáng lo ngại đối với một nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn do nhu cầu nội địa yếu.
Quý 2 năm ngoái, kinh tế Nhật giảm 28,1%, mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, nền kinh tế có hai quý phục hồi liên tiếp. Tuy nhiên, sự phục hồi nhờ vào xuất khẩu đã không còn được duy trì khi tiêu thụ nội địa bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng đột biến của các chủng vi rút mới, buộc chính phủ Nhật Bản phải áp đặt lại các biện pháp hạn chế chỉ 10 tuần trước Thế vận hội Olympic Tokyo.
Nhiều khả năng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục suy thoái trong quý 2/2021 sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở nước này.
Tổng hợp