23 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh doanh vàng Tiêu điểm Tin mới nhất

“Nới van” điều tiết thị trường vàng (Kỳ I): Phá vỡ quy định lỗi thời

Một Nghị định có tính “xương sống” quản lý thị trường vàng đã hiệu lực suốt 10 năm qua, bất chấp các kiến nghị ròng rã của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh vàng…

VGTA kiến nghị giao lại sản xuất vàng miếng cho các doanh nghiệp, không để NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng như hiện tại. Ảnh: SJC gia công vàng miếng cho NHNN.

Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) mới đây đã có kiến nghị lên NHNN với nội dung: Từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP đến nay, NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu và NHNN cũng đã ngừng tổ chức đấu thầu vàng miếng từ cuối năm 2013. Do đó hiện nguồn cung vàng miếng trên thị trường đang có tín hiệu rất khan hiếm.

Cân bằng cung cầu

Văn bản của VGTA đề nghị NHNN xem xét có thể sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng trong nước.

Đồng thời, cũng theo VGTA, trên thế giới không có không có ngân hàng trung ương nào đứng ra sản xuất vàng miếng. Vì vậy, đề nghị Thống đốc NHNNN xem xét trình Chính phủ giao cho NHNN nhiệm vụ sản xuất vàng miếng, can thiệp thị trường bằng một Nghị định của Chính phủ về quản lý Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước, mà không thuộc Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng như hiện nay. Việc này cũng đồng nghĩa là giao lại sản xuất vàng miếng cho các doanh nghiệp (chứ không để NHNN độc quyền sản xuất thông qua Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn -SJC gia công như hiện tại -PV).

Kiến nghị của VGTA đại diện cho các nhà kinh doanh trên thị trường bao gồm cả các doanh nghiệp gia công, mỹ nghệ kim hoàn… có cơ sở hợp lý bởi Nghị định 24/2012 được ban hành ở thời điểm nền kinh tế có nguy cơ bị đô la hóa, vàng hóa, tác động của cung cầu và giá vàng lên xuống dẫn đến các biến số vĩ mô như tỷ giá, lạm phát… bất ổn. Khi đó rất cần chính sách quản lý siết chặt, để đưa thị trường vào một khung kỷ luật nhất định.

Nhưng sau 10 năm, là một trong những chính sách có tính hiệu lực “bền vững” đạt tới 1 chu kỳ ở đúng giai đoạn mở cửa, hội nhập, với rất nhiều thay đổi trong các quy định phù hợp với độ mở của nền kinh tế đã tới lúc phải thay đổi. “Bên cạnh những tác động tích cực, những bất cập của Nghị định cũng đã bộc lộ và cần được sửa đổi”, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP HCM (SJA) nhấn mạnh.

Giá vàng trong nước luôn cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế

Tìm giải pháp bình ổn

Trong khi đó, ở một góc độ khác, chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng việc xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012 là cần thiết, nhưng cần kíp hơn là cân nhắc các giải pháp để tìm hướng tăng cung nguyên liệu cho thị trường. “Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia có dự trữ vàng trong dân lớn nhất thế giới. Đây chính là nguồn cung có thể giúp thị trường đáp ứng phần nào cung cầu sản xuất kinh doanh, nếu các cơ chế quản lý, chính sách giá, giữ vàng… phù hợp và kích hoạt được nhu cầu trao gửi, mua đi bán lại giao dịch thực sự thay vì đầu cơ “chênh” hoặc mua thêm tích trữ. Bởi nếu xem xét thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia mà không có cơ chế phù hợp, thì dân cũng khó tự động mang vàng đến gửi lấy giấy chứng nhận như những đề xuất gần đây. Hay nếu cho nhập vàng nguyên liệu nhưng không xem xét đến tác động của việc sụt giảm nguồn ngoại hối để chủ động linh hoạt điều tiết tỷ giá, trả nợ…, thì bất ổn tỷ giá cũng có thể sẽ lặp lại”, ông Hoàn nói.

Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng cần xem xét nguyên do vì sao chính các doanh nghiệp và ngay cả Bộ Khoa học – Công nghệ cũng đã kiến nghị sửa từ năm 2016 và thậm chí NHNN cũng đã đưa ra dự thảo sửa đổi từ năm 2017… song đến nay Nghị định này vẫn chưa thay đổi.

“Cởi trói cho thị trường vàng ra sao, điều tiết trong tương quan các biến số vĩ mô như thế nào – đây sẽ là bài toán căng thẳng thử thách bản lĩnh của Thống đốc NHNN nhiệm kỳ mới”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn- Chuyên gia tài chính:

Dù giá vàng thế giới tuột dốc hay thẳng đến những mốc cao, giá vàng trong nước sau khoảng thời gian đã thiết lập đỉnh 60 triệu đồng/ lượng song hành cùng mốc vượt 2.000 USD/oz của kỷ lục vàng thế giới với lực đẩy COVID-19, đã giảm nhỏ giọt và đi ngang quanh mốc 53-55 triệu đồng/ lượng. Sự điều chỉnh nếu có, theo biến động của giá vàng quốc tế, thường sẽ ở chiều lên nhanh hơn, biên độ rộng hơn và ngược lại, giảm chậm, biên độ hẹp ở chiều xuống.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp vàng

Tin liên quan

Đang tải....