Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng trong ngày thứ Sáu sau dữ liệu tốt hơn dự báo về tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ.
Theo đó, chỉ số tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan bất ngờ tăng vào đầu tháng 5/2020 khi các biện pháp kích thích tài khóa của Mỹ “cải thiện tài chính của người tiêu dùng và khuyến mãi giảm giá trên diện rộng đã thúc đẩy thái độ mua hàng của người dùng”.
Tuy vậy, thị trường không thể tăng mạnh sau tin doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 4 sụt 16,4%, mức giảm mạnh chưa từng thấy trong lịch sử. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo mức giảm chỉ là 12,3%. Doanh số bán lẻ lõi (loại trừ xe hơi, xăng, thực phẩm và vật liệu xây dựng) giảm 15,3%.
Phố Wall trải qua một phiên giao dịch đầy biến động nhưng vẫn chốt phiên trong sắc xanh
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 15/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 60,08 điểm, tương đương 0,25%, lên 23.685,42 điểm. S&P 500 tăng 11,2 điểm, tương đương 0,39%, lên 2.863,7 điểm. Nasdaq tăng 70,84 điểm, tương đương 0,79%, lên 9.014,56 điểm.
6 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đi lên, dẫn đầu là dịch vụ viễn thông với mức tăng 1,3%.Các chỉ số chính đã xóa sạch đà giảm điểm trong suốt buổi chiều khi nhóm cổ phiếu bán lẻ đảo chiều tăng bất chấp doanh số bán lẻ hàng tháng giảm kỷ lục. Chứng chỉ quỹ S&P Retail ETF tăng 2% sau khi giảm hơn 1.4% vào đầu phiên. Cổ phiếu Best Buy, Kohl’s và Nordstrom đồng loạt khởi sắc. Cổ phiếu Walmart và Home Depot đều tiến 2%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 15/5 là 11,36 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,39 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Chốt tuần, S&P 500 giảm 2,3%, tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 20/3. Dow Jones giảm 2,7% còn Nasdaq giảm 1,2%, nhiều nhất kể từ tuần kết thúc ngày 3/4.
Dầu thô WTI tiếp đà tăng mạnh, ghi nhận tuần tăng giá gần 20%
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex vọt 1,87 USD (tương đương 6,8%) lên 29,43 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần qua lên 19%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Hợp đồng này cũng đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 13/03/2020.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn cộng 1,37 USD (tương đương 4,4%) lên 32,50 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 4,9%.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 34 giàn xuống còn 258 giàn trong tuần này. Số giàn khoan dầu tại Mỹ hiện đã giảm 9 tuần liên tiếp, cho thấy đà sụt giảm sắp tới của sản lượng dầu thô nội địa.
Balint Balazs, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, cho biết “việc cải thiện dần dần triển vọng nhu cầu cũng góp phần thắt chặt cân bằng thị trường, khi việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu làm tăng tiêu dùng nhiên liệu”.
Giavang.net tổng hợp