WHO cảnh báo Mỹ có thể là tâm dịch Covid-19 toàn cầu, khi số ca nhiễm và chết tăng kỷ lục trong một ngày, lên lần lượt gần 55.000 và gần 800.
Ngày 29-2, Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này do COVID-19. Lúc đó, tổng số ca nhiễm chỉ mới ở hàng chục, theo kênh CNBC. Nhưng đến ngày 24-3, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng vọt lên hơn 46.000 ca, tức tăng gấp 718 lần chỉ trong khoảng 25 ngày.
Còn số ca tử vong đã lên tới hơn 580 ca. Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã có ca nhiễm và Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ý.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận các nguồn cung cấp chăm sóc y tế quan trọng để bảo vệ nhân viên tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân đang trở nên khó khăn. “Thị trường khẩu trang và máy thở trên thế giới trở nên điên rồ. Chúng tôi sẽ giúp các bang có thiết bị, nhưng không dễ dàng gì”, Trump đăng Twitter hôm 24/3.
Tại sao số ca nhiễm corona ở Mỹ tăng khủng?
Đông dân khiến dịch lan nhanh
Báo New York Times dẫn lời chuyên gia chỉ ra “kẻ thù” lớn khiến dịch lây lan nhanh ở một số thành phố của Mỹ chính là mật độ dân số cao.
Chẳng hạn New York đông đúc hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Mỹ, với khoảng 28.000 dân/2,5km2, còn San Francisco đứng kế tiếp với khoảng 17.000 dân/2,5km2.
Ở những không gian nhỏ bé như vậy, virus dễ lây lan thông qua các chuyến tàu điện ngầm đông nghẹt, những tòa chung cư, các khu vui chơi… Một số nhà nghiên cứu còn nhận thấy có sự tương đồng giữa New York và Vũ Hán xét về mật độ dân số.
4 vấn đề gây cản trở
Liên quan tới nhà chức trách Mỹ, theo Hãng tin AP, các quan chức y tế liên bang và giới quan sát đã chỉ ra 4 vấn đề chính gây cản trở phản ứng quốc gia với dịch COVID-19, gồm: quyết định lúc đầu của Mỹ về việc không dùng cách xét nghiệm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua, những thiếu sót trong cách xét nghiệm phức tạp hơn được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phát triển, chỉ đạo của Chính phủ Mỹ hạn chế số người được xét nghiệm và sự trì hoãn trong việc phối hợp với khu vực tư nhân để tăng năng lực xét nghiệm.
Cùng với những thông điệp kiểu “nói giảm nói tránh” về mối đe dọa của COVID-19 từ Nhà Trắng, nhà chức trách Mỹ đã tạo ra một phản ứng chậm chạp, bỏ lỡ cơ hội để làm giảm sự lây lan của dịch.
Tổng hợp