Moody’s cho biết, việc thay đổi xếp hạng 18 ngân hàng Việt Nam không phản ánh sự suy yếu đối với hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.
Danh sách các ngân hàng bị điều chỉnh về tín nhiệm do Moody’s đưa ra gồm có ACB, Agribank, BIDV, HDBank, Lienvietpostbank, MBBank, MSB, NamABank, OCB, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank, Vietinbank và VPBank.
Theo phân tích của Moody’s, sau thời gian xem xét hạ bậc tín nhiệm, tổ chức xếp hạng này quyết định giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành, tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn với 10/18 ngân hàng Việt, nhưng thay đổi triển vọng xuống mức tiêu cực.
Trong 10 ngân hàng này, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín dụng cơ bản (BCA) và BCA dài hạn với 4 ngân hàng, cũng như đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.
Đối với 5/18 ngân hàng, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn và thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn thành tiêu cực từ xếp hạng để xem xét hạ cấp.
Moody’s cho biết, việc đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng được thực hiện từ ngày 10/10, sau khi xem xét hạ xếp hạng quốc gia của Việt Nam vào ngày 9/10.
Việc đánh giá triển vọng tín nhiệm đối với các ngân hàng cũng căn cứ theo thông báo của Moody’s vào ngày 18/12 về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Tổ chức này khẳng định, các hành động xếp hạng đối với 18 ngân hàng được điều khiển hoàn toàn bởi xếp hạng quốc gia và không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập các ngân hàng.
Theo Moody’s, triển vọng tiêu cực phản ánh một số rủi ro chậm trễ thanh toán liên tục đối với một số nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong trường hợp không có các biện pháp hữu hình và quan trọng để cải thiện sự phối hợp, minh bạch trong quản lý nợ.
Thông tin Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm khiến dư luận đặt câu hỏi có ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng Việt Nam?
Trả lời VTC News, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với các ngân hàng không ảnh hưởng nhiều đến khách hàng và các nhà đầu tư trong nước của tổ chức tín dụng.
Chuyên gia kinh tế này lý giải, khách hàng và các nhà đầu tư, đối tác trong nước ít có thói quen theo dõi bảng xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng, do đó thông tin này không tác động nhiều đến họ.
Mặc dù vậy, theo ông Hiếu, việc bị xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm tuy không gây ra nguy cơ nhưng tác động là có, nhất là đối với những ngân hàng có hoạt động phát hành chứng khoán, trái phiếu ra nước ngoài. Những trái phiếu đó khi mà tổ chức phát hành bị xếp hạng tín nhiệm giảm thì họ phải trả lãi suất cao hơn và tác động phần nào đến sự thành công của phát hành chứng khoán trên thị trường thế giới.
Ông Hiếu nhấn mạnh, 18 ngân hàng bị Moody’s hạ triển vọng là những ngân hàng có cùng triển vọng tín nhiệm với quốc gia. Theo quy định, chỉ số tín nhiệm của một doanh nghiệp không thể cao hơn chỉ số tín nhiệm quốc gia, nên việc hạ triển vọng với 18 ngân hàng theo triển vọng của quốc gia là điều bình thường.
Liên quan đến việc hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra ý kiến. Theo đó, Bộ Tài chính cho hay, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công, là không xác đáng.
Bộ Tài chính nhìn nhận rằng tín hiệu Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam (với triển vọng Tiêu cực) là không tương xứng với chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, cũng như với hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thời gian qua triển khai để cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất bên cho vay.
Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế. Quan điểm này cũng thể hiện rõ qua việc Việt Nam chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
Để sự việc chậm trả nợ được Chính phủ bảo lãnh không phát sinh trong thời gian tới, có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ cũng như ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và cơ quan liên quan đảm bảo bố trí nguồn và thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực để một mặt đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia trong khi vẫn đảm bảo nguồn lực để phát triển.
Đồng hành với Chính phủ bên cạnh việc tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách kinh tế, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan trong thời gian tới sẵn sàng cung cấp thông tin minh bạch và đưa ra các minh chứng thuyết phục về việc Chính phủ nghiêm túc thực hiện cam kết trả nợ.
Qua đó, Bộ Tài chính tin rằng Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận đúng đắn, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
Tổng hợp