26 C
Hanoi
01/05/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm xuống mức tiêu cực, Trung Quốc lên tiếng

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 5/12 hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ ‘ổn định’ xuống ‘tiêu cực’, cho rằng việc Chính phủ nước này hỗ trợ và có thể giải cứu các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh rơi vào cảnh căng thẳng nợ nần sẽ làm suy giảm sức mạnh tài khoá, kinh tế và thể chế của quốc gia.

Theo CNN, lý do khiến Moody’s đưa ra động thái trên có liên quan đến những rủi ro tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn và liên tục, cũng như những rắc rối đang diễn ra trong ngành bất động sản của Trung Quốc.

Việc hạ thấp triển vọng không đồng nghĩa rằng cơ quan xếp hạng này sẽ hạ mức tín nhiệm của Trung Quốc, nhưng làm tăng thêm khả năng xảy ra kịch bản trên.

Moody’s cho biết sự thay đổi này phản ánh bằng chứng ngày càng tăng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang thiếu tiền mặt, qua đó gây ra rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc.

Moody’s đã cảnh báo triển vọng của Trung Quốc đang xấu đi vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với nhiều vấn đề.

Nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng của Trung Quốc – vốn là một trong những tốc độ tăng trưởng bền vững nhanh nhất trong lịch sử so với những nền kinh tế lớn, đã được thúc đẩy nhờ sự bùng nổ của thị trường nhà ở do dân số và đô thị hóa gia tăng.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản cực kỳ quan trọng và chiếm tới 30% nền kinh tế này đã rơi vào khủng hoảng hơn hai năm trước, sau khi chính phủ tiến hành thắt chặt hoạt động vay mượn của các nhà phát triển bất động sản.

Ảnh minh họa

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng suy thoái bất động sản có thể sẽ kéo dài, cản trở triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong nhiều năm.

Một mối quan tâm lớn khác là tình trạng nợ tăng vọt của các chính quyền địa phương, chủ yếu do doanh thu giảm mạnh vì giá bất động sản sụt giảm, cũng như tác động kéo dài của việc áp dụng lệnh phong tỏa chống Covid-19. Có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính rộng hơn.

Động thái của Moody’s là sự thay đổi đầu tiên trong quan điểm về Trung Quốc kể từ khi tổ chức này hạ xếp hạng một bậc đối với Trung Quốc xuống mức A1 vào năm 2017. Moody’s viện dẫn những kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng chậm lại và nợ gia tăng ở quốc gia này.

Theo Moody’s, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống mức 4% vào năm 2024 và 2025, và đạt mức trung bình 3,8% từ năm 2026 đến năm 2030.

Việc Moody’s hạ mức triển vọng của Trung Quốc diễn ra trước Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hằng năm, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12. Trong khi đó, các nhà cố vấn của Chính phủ đang kêu gọi mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2024 và nhiều biện pháp kích thích hơn.

Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản đối ngay sau khi Moody’s công bố về việc thay đổi triển vọng. Các nhà chức trách cho biết họ “thất vọng” với quyết định của Moody’s và nền kinh tế quốc gia “sẽ có khả năng phục hồi cao và có tiềm năng lớn”. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, tác động của sự suy thoái bất động sản đang được kiểm soát tốt.

“Những lo ngại của Moody’s về triển vọng tăng trưởng kinh tế và sự bền vững tài chính của Trung Quốc là không cần thiết… Kể từ đầu năm nay, trước tình hình quốc tế phức tạp và nghiêm trọng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi không ổn định và đà suy yếu, nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc tiếp tục phục hồi và phát triển chất lượng cao ổn định”, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sau công bố của Moody’s.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....