Đó là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư, đầu cơ, thậm chí cả những người giữ thói quen tích trữ vàng khi dư tiền hiện nay.
Vàng đã tăng giá quá mạnh nhưng các yếu tố hỗ trợ kim loại quý này tiếp tục tăng vẫn gia tăng, đẩy họ vào thế vừa thèm vừa run khi không biết mua vàng lúc nào.
Vàng tăng cũng lỗ ngay lúc mua
Người dân thấy vàng tăng mới đi mua nên thường mua khi giá đã cao. Các đơn vị kinh doanh vàng còn sợ phải đẩy khoảng cách chênh lệch giá mua – bán lên cao hơn vào những lúc thị trường biến động mạnh. Thế nên phải hết sức thận trọng
Ông Nguyễn Hoàng Minh (Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM)
Ngày nào cũng theo dõi giá vàng và phân vân không biết nên mua hay tiếp tục đợi, cuối cùng ông Thuận (Q.7, TP.HCM) chọn cách đứng ngoài cơn sóng này.
“Vàng tăng quá, tôi cũng muốn mua. Nhưng mình mua với giá cao, trong khi bán thì các đơn vị kinh doanh vàng thu vào thấp hơn đến 400.000 – 500.000 đồng/lượng.
Như vậy, dù vàng có tăng 500.000 – 1 triệu đồng/lượng/phiên thì người mua vàng trong nước vẫn lỗ ngay lúc mua do chênh lệch giá mua- giá bán, còn nếu giá giảm thì mức lỗ này càng nặng hơn.
Trong khi chênh lệch giá mua – bán trên thế giới khoảng 0,5 USD/ounce (khoảng 15.000 đồng/lượng – PV) thì chênh lệch tại thị trường nội địa quá lớn, có lúc lên cả triệu đồng/lượng nếu giá vàng tăng mạnh.
Công ty vàng nắm đằng cán, mình chơi không lại đâu”, ông Thuận phân tích và dẫn chứng giá bán vàng SJC ngày 9.8 của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC lên 42,4 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua ở mức 42 triệu đồng/lượng. Khách hàng sau khi mua đã lỗ ngay lập tức 400.000 đồng/lượng.
Đến chiều, giá mua của công ty giảm về 41,65 triệu đồng/lượng, mức lỗ của khách hàng mua vàng lên 750.000 đồng/lượng.
Trong hơn 2 tháng trở lại đây, vàng đã tăng tới 16%, từ 36,5 triệu đồng mỗi lượng vàng SJC lên đến 42,5 triệu đồng – tái hiện mức giá cao cách đây 7 – 8 năm.
Vàng thế giới cũng vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce, mức dự báo của vàng trong năm 2019 tăng lên 1.600 USD/ounce trước những bất ổn từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ trên thế giới.
Sau động thái cắt giảm lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cuối tháng 7 đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đã giảm lãi suất nội tệ trong nước.
Vàng trở thành nơi trú ẩn của các ngân hàng, quỹ đầu tư, nhà đầu tư khiến kim loại quý không ngừng tăng giá. Với 16%, tốc độ tăng của vàng gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm tiền đồng vào khoảng 8% đã khơi gợi tâm lý mua vàng tích trữ của nhiều người hiện nay.
Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên Trường Bizlight, cho rằng vàng chỉ là nơi an toàn cho các tổ chức nắm giữ trung dài hạn, chứ cá nhân tính việc đầu cơ, “lướt sóng” vàng thì hết sức rủi ro.
“Tâm lý nhiều người thấy giá tăng quá nhanh mới nghĩ đến chuyện đi mua. Đây chính là thời điểm những nhà đầu tư nắm giữ vàng đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng nên sẽ bán vàng ra, giá sẽ giảm. Người vào sau sẽ lỗ.
Thế nên đầu tư vàng hay bất cứ tài sản gì, lựa chọn thời điểm mua là rất quan trọng”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cảnh báo giá vàng hiện nay tăng mạnh, chẳng khác nào diễn biến những năm 2008 – 2011. Nhưng từ 2011 đến nay, vàng cũng đã giảm rất mạnh.
“Người dân thấy vàng tăng mới đi mua nên thường mua khi giá đã cao. Các đơn vị kinh doanh vàng còn sợ phải đẩy khoảng cách chênh lệch giá mua – bán lên cao hơn vào những lúc thị trường biến động mạnh.
Thế nên phải hết sức thận trọng”, ông Minh nói và chia sẻ thêm nhu cầu tích trữ vàng của người dân nhiều năm trở lại đây giảm khá mạnh, rõ nhất là lượng vàng khách hàng nhờ ngân hàng thương mại giữ hộ giảm sút, không đáng kể.
Bỏ tiền vào đâu cho an toàn?
Tâm lý các nhà đầu tư hiện nay từ tổ chức đến cá nhân đều hướng đến tài sản an toàn, bảo vệ giá trị tài sản nhiều hơn. Vì vậy ngoài việc quan tâm đến vàng, nhiều người vẫn muốn rót tiền sở hữu bất động sản và trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh vì mức độ an toàn sẽ cao hơn nhiều so với cổ phiếu.
TS Huỳnh Phước Nghĩa
Nguy cơ một cuộc chiến tiền tệ xảy ra khi nhân dân tệ (CNY) liên tục giảm giákhiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý găm giữ hay bỏ tiền vào các đồng ngoại tệ mạnh như USD, bảng Anh, euro, yen…
Tuy nhiên, với nguồn dự trữ ngoại hối lớn đủ để kiểm soát tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ không có cơn sốt với USD. Trên thị trường, chênh lệch giữa giá mua và giá bán của các ngoại tệ khác luôn ở mức rất cao.
Vì vậy, khả năng đầu tư hay lướt sóng ngoại tệ cũng khó mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư cá nhân.
Đây là tâm lý tích cực cho thị trường bất động sản và cả nền kinh tế. Vì điều đó cũng phản ánh hiện tượng vay tiền, sử dụng đòn bẩy cao để đưa vào bất động sản đã giảm bớt. Từ đó sẽ giảm những hệ lụy về lâu dài cho nền kinh tế.
Trong khi đó, TS Nghĩa cho rằng tâm lý nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng đang dịch chuyển. Họ bắt đầu quan tâm đến những cổ phiếu liên quan đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Hay những thương vụ mua bán sáp nhập cũng nổi lên vai trò của các công ty cùng ngành nhiều hơn là quỹ đầu tư. Chính vì vậy, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo theo sự bất ổn về kinh tế, nhiều cổ phiếu sẽ giảm nhưng cũng có thể một số cổ phiếu vẫn ổn định đi lên nếu hoạt động của doanh nghiệp được hưởng lợi.
Theo Thanh Niên