Không chỉ tạo sức ép thông qua các phát biểu, thậm chí là cả chỉ trích, mà ông Trump còn tiến thêm một bước xa hơn nhằm làm thay đổi quan điểm cứng rắn hiện nay của Fed khi đề cử 2 ứng viên vào vị trí Thống đốc Fed, những người đều ủng hộ quan điểm nới lỏng tiền tệ.
Hai gương mặt mới…
Trong một phát biểu trên twitter hôm 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có kế hoạch bổ nhiệm Christopher Waller và Judy Shelton làm Thống đốc Fed để Thượng viện phê chuẩn.
Với Shelton sẽ không có gì ngạc nhiên khi mà bà đã từng là Cố vấn kinh tế cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và là người ủng hộ việc cắt giảm lãi suất giống như quan điểm của ông Trump. Trong khi đó Waller lại là một bí ẩn. Mặc dù là Phó chủ tịch Fed St. Louis, song Waller lại là người khá kín đáo và ít hiện diện.
Liệu quan điểm của Fed có thay đổi khi có thêm 2 cánh chim “bồ câu” mới
Mặc dù vậy, cùng nhau, họ đại diện cho mong muốn của ông Trump là Fed cần phải trở thành một đối tác hoàn hảo trong việc đẩy mạnh mở rộng kinh tế, và nên thực hiện điều đó thông qua lãi suất thấp hơn và chính sách tiền tệ lỏng lẻo nói chung.
“Đối với Tổng thống, đây là những người sẽ ủng hộ quan điểm của ông”, Gus Faucher – nhà kinh tế trưởng của PNC cho biết. “Tổng thống có quyền bổ nhiệm người vào Fed, những người ủng hộ quan điểm của ông về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đây (ngân hàng trung ương) là một lĩnh vực đặc biệt và Thượng viện đã từng từ chối (bổ nhiệm của) Tổng thống vì nhiều lý do”.
Trên thực tế, hai ứng cử viên trước đó của ông Trump là Stephen Moore và Herman Cain đã bị loại bỏ vì những lý do khác chứ không phải về quan điểm của họ về chính sách tiền tệ. Cụ thể, Stephen Moore – chuyên gia theo trường phái bảo thủ – đã không còn được xem xét vào Hội đồng Thống đốc Fed trong tháng 5/2019, vì sự dò xét tới cuộc sống riêng tư và nghề nghiệp của ông ấy. Trong khi Herman Cain – doanh nhân và từng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa – đã từ bỏ dự định tham gia vào Hội đồng Thống đốc Fed từ cuối tháng 4/2019.
Còn với Waller và Shelton, hai ứng cử viên này nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một cuộc đấu trực tiếp liên quan đến quan điểm của họ khi mà cả hai dường như ủng hộ lãi suất thấp hơn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Theo đó Shelton đã từng tuyên bố rõ ràng rằng lãi suất qua đêm của Fed nên ở mức 0, còn Waller thì ở cùng một phe với Shelton trong việc bác bỏ quan điểm đường cong Phillips truyền thống rằng khi thất nghiệp giảm, tiền lương sẽ tăng và qua đó thúc đẩy lạm phát, bắt buộc phải tăng lãi suất.
Theo các nhà phân tích, việc lựa chọn hai ứng viên này vào vị trí Thống đốc Fed cùng với quan điểm thiên vị nới lỏng của họ có thể thu hẹp khoảng chênh lệch rất lớn hiện nay giữa kỳ vọng lãi suất thị trường và dự đoán lãi suất của Fed.
Cụ thể, trong dự báo hàng quý mới nhất của mình, các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự kiến lãi suất chuẩn dài hạn vào khoảng 2,8%. Trong khi định giá hiện tại của các hợp đồng tương lai Quỹ Fed lại ngụ ý lãi suất chỉ khoảng 1,3%.
…có thay đổi quan điểm của Fed
Ông Trump đang ủng hộ quan điểm lãi suất thấp của thị trường với lý do tại thời điểm mà hầu hết các đối tác trong G7 đều đang giữ lãi suất chính sách ở mức 0, Fed đang khiến Mỹ giảm sức cạnh tranh trên toàn cầu bằng cách chốt lãi suất trong khoảng từ 2,25% và 2,5%.
Cũng chính bởi vậy nên thời gian qua ông Trump đã không ít lần chỉ trích Fed, đặc biệt là Chủ tịch Fed Jerome Powell cho dù ông này cũng là người mà ông Trump đề cử. Thậm chí gần đây, ông còn quay sang chỉ trích cả chính sách tiền tệ của ECB.
Bởi vậy theo các nhà quan sát, Waller và Shelton sẽ mang lại hai phiếu bầu ôn hòa cho Fed, trong khi “nhóm tam hùng” gồm Chủ tịch Jerome Powell, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida và Chủ tịch Fed New York John Williams vẫn “kiểm soát điều hành chính sách của Fed”, Mitch Krishna Guha –Trưởng bộ phận chính sách toàn cầu và chiến lược ngân hàng trung ương của Evercore ISI cho biết.
Mặc dù cả hai sẽ chỉ đại diện cho hai phiếu trong một ủy ban mà cho đến nay đã cho thấy có rất ít bất đồng trong quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên và sau đó giữ chúng ổn định mặc dù thị trường liên tục kêu gọi cắt giảm. Tuy nhiên, đồ thị điểm (dot plot) của Fed tại cuộc họp FOMC tháng 6 cho thấy, chỉ có một số rất ít các thành viên mong đợi lãi suất sẽ tăng trong vài năm tới, cho thấy sự chênh lệch khá nhỏ giữa những người muốn giữ ổn định và những người muốn cắt giảm. Vì vậy, việc có thêm hai lá phiếu nghiêng về phía nới lỏng có thể giúp thay đổi cục diện.
Trong khi đó, Michael D. Bordo – Giáo sư kinh tế tại Đại học Rutgers và là thành viên của Hội các nhà kinh tế theo dõi Ủy ban thị trường mở, những người theo dõi chính sách của Fed cho rằng: “Việc có thêm một người ôn hòa trong FOMC không có gì thay đổi quá nhiều” với hàm ý là bà Shelton.
Trong khi Bordo cho biết là ông biết Waller và hiểu công việc của ông này. Xem xét lập trường của Waller thì nhân vật này có thể ủng hộ lãi suất cao hơn, nhưng điều đó chỉ xảy ra trong dài hạn, còn trong ngắn hạn ông ủng hộ quan điểm nới lỏng. Fed St. Louis, nơi Waller làm việc, đứng đầu là Chủ tịch James Bullard, người đã hối thúc Fed giảm lãi suất và là người duy nhất bỏ phiếu chống lại việc giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp FOMC tháng 6.
“Tôi đã nghiên cứu cách người FOMC bỏ phiếu và nhận thấy mọi người không nhất quán. Những người theo trường phái “diều hâu” (Hawkish) không phải lúc nào cũng bỏ phiếu để thắt chặt và những người theo trường phái bồ câu (dovish) cũng không phải lúc nào cũng bỏ phiếu để nới lỏng”, Bordo nói. “Những gì họ làm là dựa trên diễn biến của nền kinh tế”.
Theo Thời báo Ngân hàng