Trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và tích lũy, nhưng vẫn đang nằm trong kênh tăng giá trung và dài hạn.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.405USD/oz, giá vàng quốc tế đã giảm mạnh xuống mức 1.381USD/oz, nhưng sau đó lại phục hồi khá mạnh lên mức 1.437USD/oz.
Trong khi đó tại thị trường vàng Việt Nam, sau khi mở cửa ở mức 38,6- 39,1 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh xuống mức 38- 38,3 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 800.000đồng/lượng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, sau đó giá vàng miếng SJC lại tăng vọt lên mức 39,1- 39,4 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng giảm mạnh trong những phiên đầu tuần là do Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm đình chiến bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Tuy nhiên sau đó giá vàng tăng trở lại là do:
Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thêm thuế đối với 4 tỷ USD hàng hóa châu Âu để trả đũa đối với việc châu Âu trợ cấp cho Airbus. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại lan sang cả khu vực châu Âu.
Thứ hai, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF được đề cử làm Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB). Trên thực tế, bà Christine Lagarde hiện đang có quan điểm nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, ông Trump đề cử ông Christopher Waller, Phó Chủ tịch FED St. Louis và bà Judy Shelton, Cố vấn kinh tế cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 vào Hội đồng Thống đốc FED. Động thái này của ông Trump được cho là nhằm củng cố thêm sức mạnh cho phe nới lỏng chính sách tiền tệ tại Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ, bởi ông Trump đã nhiều lần dùng sức ép chính trị đối với FED để cắt giảm lãi suất, nhưng không có hiệu quả.
Thứ tư, các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ SPDR đã nhân cơ hội giá vàng điều chỉnh đầu tuần này để mua vào. Số lượng vàng nắm giữ của SPDR hiện đã lên tới gần 800 tấn vàng.
Thứ năm, nhiều chuyên gia cảnh báo, xung đột thương mại giữa Mỹ và các đối tác tiếp tục leo thang, tình trạng nợ công cao ở nhiều quốc gia, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông… có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái.
Ông Jigar Trivede, chuyên gia phân tích cao cấp của Tập đoàn môi giới chứng khoán và kim loại quý ở Mumbai, Ấn Độ, cho rằng ngoài những nguyên nhân nói trên, việc OPEC và các đối tác đạt được thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 1,2 thùng/ngày thêm 9 tháng, cộng với căng thẳng Mỹ- Iran có nguy cơ đẩy giá dầu leo thang trong thời gian tới. “Giá dầu tăng, sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, qua đó làm tăng vai trò trú ẩn của vàng”, ông Jigar Trivede nhấn mạnh và cho biết thêm, các chỉ số kỹ thuật cho thấy, triển vọng giá vàng vẫn còn tích cực, nhưng cũng khó tránh khỏi những thời điểm điều chỉnh, tích lũy. Hiện tại, giá vàng đang đối mặt với vùng kháng cự mạnh tại 1.435- 1.440USD/oz, trong khi mức hỗ trợ quan trọng tại vùng 1.400- 1.410USD/oz.
Một thông tin đáng chú ý là, mặc dù giá vàng đã tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng lượng vàng nhập khẩu vào Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, vẫn tăng mạnh trong tháng 6. Theo đó, lượng vàng nhập khẩu tại quốc gia này trong tháng 6 đạt mức 2,69 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã phần nào xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư về việc nhu cầu vàng vật chất sẽ giảm do giá vàng tăng mạnh.
Các nhà đầu tư vẫn đang chợ đợi số liệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, tốc độ tăng tiền lương của Mỹ sẽ được công bố trong ngày hôm nay, để có cái nhìn xác thực hơn về khả năng FED có giảm lãi suất cơ bản trong cuộc họp tháng này hay không.
Theo phân tích kỹ thuật, đà tăng giá vàng trung và dài hạn vẫn đang được duy trì. Theo đó, kênh tăng giá dài hạn này chỉ bị phá vỡ khi giá vàng giảm xuống dưới 1.200USD/oz, trong khi cận trên của kênh này là 1.505USD/oz, kế tiếp là 1.538USD/oz.
Trong ngắn hạn, nếu vượt qua 1.445USD/oz, giá vàng hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục leo lên các mức 1.454- 1.456- 1.476- 1.497USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể giảm xuống dưới 1.400USD/oz với các mức hỗ trợ quan trọng tại 1.391- 1.383- 1.374- 1.353USD/oz.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp