Theo đánh giá của Việt Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế trong quý 2.2019 (QII) sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức bởi các vấn đề tác động từ bên ngoài và cả những khó khăn nội tại.
Theo TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, căn cứ kết quả khảo sát của Wall Street Journal trong tháng 2.2019, xác suất suy thoái trong năm 2019, 2020 và 2021 ở Mỹ lần lượt là 24,53%%, 45,7% và 39,1%. Do đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất của Mỹ cũng có thể sẽ được cân nhắc thận trọng hơn.
Kết quả khảo sát của Reuters trong giai đoạn từ 11 – 14.3, cũng cho thấy: Có tới 55% ý kiến dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ít nhất một lần trước quý IV.2019 (trong khi lần khảo sát trước cho đồng thuận là tăng lãi suất trong quý II). Ðiều này thể hiện rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng.
TS Nguyễn Đình Cung cũng nêu hàng loạt vấn đề khác, như: Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung còn diễn biến khó lường. Trong tương lai, Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể như kỳ vọng và những bất đồng về chính sách thương mại tiếp tục tồn tại. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể gia tăng căng thẳng thương mại với các nền kinh tế khác.
Căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng và giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang 2 quốc gia này. Kết quả xuất khẩu trong quý I.2019 đã cho thấy: Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm sút khá mạnh, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm lâm sản.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng Hiệp định thương mại EVAFTA có thể sẽ được phê chuẩn chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, sẽ ảnh hưởng đến các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang Châu Âu.
Về những thách thức bởi các yếu tố nội tại trong năm 2019, nhận định của CIEM cho thấy, Việt Nam đã trải qua quý I với nhiều diễn biến khó khăn bất định trên thị trường thế giới, song nhìn chung vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với cùng kỳ 2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009 – 2017.
Nếu không có những giải pháp căn cơ, mạnh tay trong cải cách các thủ tục hành chính, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân, thì khả năng tăng trưởng GDP trong Qúy II sẽ tiếp tục gặp khó khăn, tác động không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng và kìm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019.
Theo Lao Động