Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố Báo cáo triển vọng thị trường toàn cầu năm 2019, đưa ra nhiều dự báo liên quan đến thị trường tài chính, tài sản toàn cầu trong năm nay.
Về thị trường ngoại hối, Standard Chartered nhận định đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên trong vài tháng đầu năm 2019. Các cơ sở ngắn hạn củng cố cho đồng USD tăng giá là tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục được duy trì, trong khi bất ổn thương mại toàn cầu còn kéo dài và khả năng lãi suất thực tại Mỹ tiếp tục tăng, khiến đồng USD vượt trội so với các đồng tiền khác như EUR, JPY và CNY.
Tuy nhiên về trung hạn, khi tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm hơn cuối cùng sẽ tác động đến nền kinh tế, thị trường và các tài sản của Hoa Kỳ, khiến Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Đồng USD dự kiến sẽ ổn định khi chênh lệch lãi suất đạt đỉnh.
Trên thị trường vàng, năm 2018 không phải năm của vàng trong bối cảnh thị trường bị chi phối bởi chính sách của Fed và sức mạnh của đồng USD. Vàng cũng không được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại và biến động ở các thị trường mới nổi.
Theo quan điểm của các chuyên gia Standard Chartered, lợi suất thực tế và tương quan với lạm phát sẽ là chìa khóa cho triển vọng trung hạn của giá vàng. Kịch bản chính mà báo cáo này đưa ra là giá vàng sẽ trong khoảng 1.200-1.300 USD/oz trong thời gian 12 tháng tới và vàng vẫn là tài sản được khuyến nghị nắm giữ.
Kịch bản cơ bản mà báo cáo đưa ra đối với Hoa Kỳ là sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm nhưng vẫn mạnh mẽ và lạm phát cao hơn mục tiêu (2%), cho thấy Fed có khả năng tăng lãi suất chậm hơn so với năm 2018. Điều này có nghĩa là lợi suất thực không có khả năng tăng mạnh từ mức hiện tại.
Xu hướng đồng USD cũng ảnh hưởng đến giá vàng. Với nhận định đồng USD có thể tăng giá trong ngắn hạn, điều này có thể gây áp lực lên giá vàng. Tuy nhiên, đà tăng giá của USD có thể chững lại trong năm 2019, đồng nghĩa với triển vọng đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ ổn định hơn.
Vì các thị trường mới nổi đóng vai trò quan trọng đối với thị trường vàng vật chất nên khi các thị trường này ổn định hơn, giá vàng có thể sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu trang sức và công nghiệp từ các thị trường này. Hơn nữa, các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ vẫn là những người mua ròng vàng với mong muốn đa dạng hóa và giảm phụ thuộc vào trái phiếu Hoa Kỳ nên cũng sẽ phần nào hỗ trợ giá vàng.
Do đó, kịch bản chính là dự báo giá vàng sẽ đi ngang mà không tăng mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn có các rủi ro như liên quan đến chính sách tại Hoa Kỳ (nếu chính sách quá thắt chặt) và những cú sốc chính trị có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tìm nơi ẩn náu với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Do đó, vàng vẫn là kênh nên nắm giữ khi chúng ta tiến đến giai đoạn cuối của chu kỳ kinh tế.
Đối với thị trường dầu, trong bối cảnh dự báo tăng trưởng nhu cầu khả năng chậm (do dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại) nên phía nguồn cung sẽ có tác động quan trọng hơn tới giá dầu.
Mặc dù sản lượng dầu đá phiến của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng khi không còn các yếu tố cản trở về đường ống, nhưng ngược lại, OPEC và một số đối tác xuất khẩu bắt đầu và có thể tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng nên giá dầu dự báo sẽ tăng nhẹ trở lại trong năm 2019 sau những đợt giảm mạnh những tháng cuối năm 2018.
Ngành vận tải biển dự kiến có những thay đổi quy định trong thời gian sắp tới nên cũng có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho dầu Brent. Báo cáo đưa ra dự báo cụ thể giá dầu thô Brent trong năm nay sẽ ở khoảng 65-75 USD/thùng.
Với chứng khoán, kịch bản chính được các chuyên gia Standard Chartered đưa ra là thị trường toàn cầu vẫn tích cực, nhưng giảm từ mức “ưu tiên” xuống “nắm giữ”. Tăng trưởng thu nhập các thị trường dự kiến sẽ hội tụ ở mức tăng trưởng một chữ số trong năm 2019. Mức định giá thị trường đã giảm phản ánh sự thay đổi này và đang ở mức hấp dẫn nhất trong 5 năm.
Trong các thị trường chứng khoán chính, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ được ưu tiên vì tính trung bình, các cổ phiếu của Hoa Kỳ thường hoạt động tốt vào cuối chu kỳ. Tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ gần như chắc chắn sẽ chậm lại trong năm 2019, nhưng dự kiến sẽ tương đương với mức trung bình dài hạn.
Trong khi đó, tại các thị trường Nhật Bản, châu Á ngoài Nhật Bản và các thị trường mới nổi ngoài châu Á, báo cáo đưa ra khuyến nghị “nắm giữ”. Rủi ro leo thang chiến tranh thương mại là rất lớn đối với các khu vực này. Tuy nhiên, niềm tin rằng lãi suất của Hoa Kỳ đã gần với mức đỉnh có thể bù đắp cho rủi ro. Dự báo cổ phiếu của Anh cũng tích cực hơn do ít có khả năng xảy ra một Brexit cứng.
Riêng cổ phiếu khu vực châu Âu được khuyến nghị không ưu tiên nắm giữ. Ngành Ngân hàng – ngành lớn nhất trong thị trường châu Âu, đang có nhu cầu tái cấp vốn khá cao và nhu cầu tăng vốn trong năm 2019. Tuy nhiên, do định giá thị trường đã giảm xuống dưới mức trung bình dài hạn, nên nếu như không tiếp tục có tin xấu thì đây có thể trở thành cơ sở cho sự phục hồi của thị trường.
Theo Thời báo Ngân hàng