Khoảng 4 tháng sau khi chính phủ Mỹ thoát khỏi tình huống bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, nền kinh tế lớn nhất thế giới lại tiếp tục đối diện nguy cơ đóng cửa chính phủ.
Các nhà lập pháp Mỹ chỉ còn 4 ngày để phê chuẩn dự luật ngân sách hàng năm nhằm ngăn chính phủ đóng cửa. Song, ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, dự đoán gần như chắc chắn Quốc hội sẽ không thể đạt được thỏa thuận.
Trong lưu ý ngày 27/9, ông viết: “Chúng tôi cho rằng nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã tăng lên 90%. Tuy vẫn còn khả năng Quốc hội sẽ đạt được thỏa thuận vào phút chót…, các nhà lập pháp chỉ mới đạt được vài tiến triển và họ còn rất ít thời gian”.
Ông Hatzius cho biết chính phủ có thể đóng cửa trong 2-3 tuần, bắt đầu từ ngày 1/10. Theo vị chuyên gia, các nhà lập pháp sẽ chỉ chấp nhận thỏa hiệp khi phải đối mặt với áp lực chính trị do trễ hạn thanh toán tiền lương thưởng cho quân nhân tại ngũ vào ngày 13/10 và 1/11, cũng như do các “hoạt động thiết yếu” như an ninh sân bay và tuần tra biên giới bị gián đoạn.
Ông cảnh báo: “Nếu chính phủ Mỹ đóng cửa vào ngày 1/10, lập trường chính trị của các nhà lập pháp sẽ càng trở nên cứng rắn hơn và vì vậy có rất ít khả năng chính phủ sẽ nhanh chóng hoạt động trở lại”.
Các nhà lập pháp có nhiệm vụ phải thông qua 12 dự luật chi tiêu khác nhau để cấp ngân sách cho các cơ quan trong chính phủ nhưng tiến trình này rất tốn thời gian.
Vấn đề nợ đang là tâm điểm của sự bế tắc tại Nghị viện về dự luật chi tiêu nhằm duy trì chính phủ cho đến chu kỳ cấp vốn tiếp theo. Nếu Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden và Đảng Cộng hoà không thể đi tới một thoả thuận chung và thông qua ngân sách vào hạn chót là ngày 30/9, các bộ phận của chính phủ sẽ bị đóng cửa.
Bế tắc ngân sách xuất phát chủ yếu từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, bao gồm cả gói viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine. Đến nay, các nỗ lực thuyết phục thành viên đảng Cộng hòa của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đều thất bại.
Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã bác bỏ dự luật tài trợ tạm thời được thúc đẩy tại Thượng viện, qua đó đẩy Chính phủ Mỹ đến gần hơn với nguy cơ buộc phải đóng cửa một phần vào ngày 1/10 tới, ngày bắt đầu năm tài chính mới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27/9 cho biết việc chính phủ đóng cửa không phải là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu xảy ra, rất nhiều công việc quan trọng có thể bị ảnh hưởng trong lĩnh vực khoa học và y tế.
Nếu chính phủ Mỹ đóng cửa, 438 cơ quan chính phủ sẽ bị ảnh hưởng. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương. Hàng loạt dịch vụ công bị gián đoạn. Việc đóng cửa cũng sẽ khiến các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng vốn đặc biệt quan trọng với các nhà hoạch định chính sách và đầu tư, sẽ bị đình chỉ công bố vô thời hạn.
Kể từ năm 1980, chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần 14 lần, nhưng chỉ có 3 lần giai đoạn này kéo dài hơn một tuần – vào năm 1995, 2013 và 2018 – 2019.
Các nhà kinh tế ở Phố Wall và nội bộ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết luận rằng việc đóng cửa trong thời gian ngắn sẽ khó có thể làm nền kinh tế chậm lại đáng kể hoặc đẩy nó vào suy thoái.
Nhưng việc đóng cửa kéo dài có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và khả năng tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bởi có loạt yếu tố bất lợi dự kiến sẽ đè nặng lên nền kinh tế Mỹ trong những tháng cuối năm nay, bao gồm lãi suất cao, việc nối lại hoạt động trả nợ đối với các khoản vay của sinh viên vào tháng tới và cuộc đình công có thể kéo dài của Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW).
Việc ngừng hoạt động kinh doanh của chính phủ liên bang sẽ không chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Nó đồng thời sẽ tác động tới “niềm tin” của người tiêu dùng, vốn đã giảm mạnh vào tháng 9 (tháng thứ 2 liên tiếp) trong bối cảnh giá xăng tăng cao.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã ước tính rằng việc đóng cửa chính phủ sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng khoảng 0,2 điểm phần trăm mỗi tuần. Điều đó phần lớn là do hầu hết các công chức liên bang không được trả lương trong thời gian đóng cửa, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến mức độ chi tiêu của họ.
Ước tính đó phù hợp với nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Phố Wall và các chính quyền tổng thống trước đây. Các nhà kinh tế của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donla Trump cũng tính toán rằng việc đóng cửa kéo dài một tháng vào năm 2019 đã làm giảm mức tăng trưởng 0,13 điểm phần trăm mỗi tuần.
Ngoài tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ông Hatzius cảnh báo rằng chính phủ đóng cửa có thể việc công bố các dữ liệu quan trọng mà Fed sử dụng để xác định chính sách tiền tệ bị trì hoãn.
Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh Fed sẽ “phụ thuộc vào dữ liệu” khi xác định hướng đi của lãi suất, nhưng việc ra quyết định sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều nếu Fed không có dữ liệu chuẩn.
Và Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua các dự luật phân bổ tiền tài trợ cho Bộ Lao động, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp hoặc Bộ Năng lượng. Điều này có nghĩa là các báo cáo từ tất cả các cơ quan đó có thể bị hoãn lại khi chính phủ đóng cửa.
Tệ hơn nữa, ông Hatzius cảnh báo rằng lần này, “chính phủ có thể phải đóng cửa nhiều hơn một lần” do tình trạng căng thẳng chính trị ở Washington.
Ông giải thích: “Đề xuất chi tiêu của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có sự khác biệt rất lớn. Nhiều khả năng thỏa thuận ngân sách của hai bên sẽ chỉ có thời hạn đến cuối năm 2023, và nguy cơ chính phủ đóng cửa sẽ lại tái diễn vào đầu năm mới”.
Giavang.net