Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/8 kêu gọi các nước giàu hoãn việc tiêm mũi tăng cường Covid-19 cho ít nhất đến cuối tháng 9. Đây cũng là thời điểm mà Tổng giám đốc WHO mong muốn 10% dân số của mọi quốc gia đều được tiêm chủng.
Ở các nước giàu, cứ 100 dân thì có 100 mũi vắc xin ngừa Covid-19 đã được triển khai, trong khi độ bao phủ vắc xin ở các nước nghèo chỉ đạt 1,5 liều trên 100 dân. Với lý do là sự bất bình đẳng vắc xin toàn cầu, WHO đã kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm vắc xin Covid-19 mũi thứ 3.
“Chúng ta không thể chấp nhận việc những nước đã sử dụng phần lớn lượng vắc xin toàn cầu lại tiếp tục dùng thêm vắc xin”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu.
Trong trường hợp xuất hiện chủng biến thể có thể kháng vắc xin, những nước giàu có với tỷ lệ tiêm chủng cao cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh giống như các nước nghèo. Điều này càng làm bật lên tầm quan trọng của việc bình đẳng trong tiêm chủng.
“Chúng tôi muốn đảo ngược khẩn cấp dòng vắc xin đang chảy tới các nước giàu để chuyển hướng sang các nước nghèo”, ông Ghebreyesus cho biết. Yêu cầu này cũng là một phần trong kế hoạch của ông Ghebreyesus nhằm giúp 40% dân số thế giới được tiêm chủng vào tháng 12 tới.
Để chống lại Delta, biến chủng có tốc độ lây lan mạnh, một số quốc gia đã bắt đầu sử dụng hoặc cân nhắc sử dụng mũi tiêm nhắc lại, cho dù giới khoa học còn đang cố gắng xác định xem việc tiêm nhắc lại có cần thiết hay không.
“Việc tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 cho người trưởng thành khoẻ mạnh là một cách nghĩ thiển cận”, ông Elin Hoffmann Dahl, cố vấn của tổ chức về quyền tiếp cận vắc xin Medecins Sans Frontieres, phát biểu.
“Với sự nổi lên của những biến chủng mới, nếu chúng ta tiếp tục để mặc cho phần lớn thế giới không được tiêm chủng, thì chúng ta chắc chắn sẽ phải cần tới những loại vắc xin được điều chỉnh trong tương lai”, ông Dahl nói thêm.
WHO nhấn mạnh rằng chỉ khi tất cả mọi người đều được bảo vệ trước Covid-19, thế giới mới an toàn vì tồn tại nguy cơ lây nhiễm ở nhóm người chưa được tiêm chủng, có thể dẫn tới sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm hơn làm phức tạp thêm cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu.
Động thái của WHO diễn ra sau khi Israel tuyên bố tăng cường tiêm vắc xin cho người lớn tuổi. Nhiều người Mỹ cũng đang kêu gọi được tiêm thêm vắc xin. Cộng hòa Dominica đang tiến hành tiêm vắc xin tăng cường cho người dân của mình. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Haiti của họ mới chỉ nhận được sự đảm bảo cho những liều vắc xin đầu tiên không lâu trước đây.
Bên cạnh đó, WHO cũng kêu gọi các hãng dược phẩm không tăng giá vắc xin ngừa Covid-19.
WHO mới đây đã lên tiếng kêu gọi các hãng dược phẩm sản xuất vắc xin Covid-19 tránh tăng giá đột ngột, giữ giá thành ở mức phải chăng, sau khi có thông tin cho rằng 2 hãng dược phẩm Mỹ sẽ tăng giá đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Tờ Financial Times cuối tuần trước đưa tin Pfizer-BioNTech và Moderna dự kiến tăng giá vắc xin vì họ đã điều chỉnh chúng cho phù hợp với các biến thể virus mới. Vắc xin Pfizer sẽ tăng từ 15,5 EUR lên 19,5 EUR (18,35 USD lên 23 USD) và Moderna từ 19 EUR lên 21,5 EUR (22,5 USD lên 25,45 USD), Financial Times cho biết, trích dẫn hợp đồng hai hãng đã ký với Liên minh châu Âu.
Bà Mariangela Simao, quan chức WHO phụ trách mảng khả năng tiếp cận thuốc, vắc xin và dược phẩm cho biết, Pfizer và Moderna đều đã tăng năng lực sản xuất, đa dạng hóa nhà máy và tăng hiệu quả dây chuyền sản xuất. “Trong tình hình thị trường bình thường, điều này sẽ dẫn đến giá giảm chứ không phải giá tăng”, Simao nói. “Chúng ta đang có một thị trường mà nhu cầu rất cao so với nguồn cung”.
“WHO kêu gọi các công ty không tăng giá và giữ giá cả phải chăng”, bà Simao nhấn mạnh.
Giavang.net