Tóm tắt
- Tăng “dựng đứng” tới 900.000 đồng so với giá mở cửa, vàng miếng đạt mức giá 72,2 triệu đồng – đắt nhất năm 2023.
- Vàng thế giới lên 2.005 USD/ounce, giá sau quy đổi đạt 60 triệu đồng/lượng.
- Chênh lệch giữa hai thị trường tăng vọt gần 900.000 đồng – cán mốc 12 triệu đồng, do sự kết hợp giữa mức tăng không tương xứng và đà sụt giảm của tỷ giá.
Nội dung
Cập nhật lúc 15h, ngày 22/11, SJC tại Hà Nội niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 71,30 – 72,02 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán so với giá mở cửa cùng ngày.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 71,35 – 72,00 triệu đồng/lượng, tăng 720.000 đồng/lượng chiều mua và 750.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 71,40 – 72,20 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng giá mua và 900.000 đồng/lượng giá bán so với mở cửa sáng nay.
VietnamGold, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 71,15 – 72,15 triệu đồng/lượng, giá mua mới chỉ tăng 450.000 đồng/lượng so với thời điểm mở cửa thì giá bán đã tăng vọt 850.000 đồng/lượng, khiến chênh lệch mua – bán kéo mạnh từ 600.000 đồng lên 1 triệu đồng.
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 2005 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.560 VND/USD, giảm 90 đồng/USD so với phiên hôm qua) vàng thế giới đứng tại 60 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 12,15 triệu đồng. Phiên chiều qua, giá vàng thế giới sau quy đổi đứng tại 59,91 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC 11,3 triệu đồng.
Chênh lệch giữa hai thị trường tăng mạnh do giá vàng trong nước “chạy” nhanh hơn giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, việc tỷ giá USD giảm mạnh khiến đà tăng của giá vàng thế giới sau quy đổi bị hạn chế, cũng là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng chênh lệch giữa hai thị trường.
Fed công bố biên bản cuộc họp ngày 31/10-1/11 cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang loay hoay với những tín hiệu trái chiều từ nền kinh tế và giữ quan điểm thận trọng khi đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5%. Theo biên bản này, giới chức Fed nhất trí rằng việc tăng lãi suất thêm sẽ chỉ cần thiết nếu tiến trình giảm lạm phát trong thời gian tới chậm lại.
Nhà đầu tư trên thị trường vàng hào hứng khi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy lãi suất của chu kỳ tăng này đã đạt đỉnh, dù không loại trừ khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để đảm bảo chắc chắn rằng lạm phát sẽ giảm về 2% một cách bền vững.
Việc Fed có thể không tăng lãi suất thêm là một yếu tố có lợi cho giá vàng vì kim loại quý này là một tài sản không mang lãi suất. Giá vàng đã tăng mạnh từ tuần trước, sau khi số liệu cho thấy sự xuống thang của lạm phát ở Mỹ củng cố khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12.
Theo trang MarketWatch, giá vàng còn đang được hỗ trợ nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương và sự gia tăng nhu cầu vàng vật chất ở khu vực châu Á trong dịp cuối năm. “Thị trường vàng đang chứng kiến nhu cầu mua mạnh từ châu Á. Trong tháng 10 vừa qua, Ấn Độ đã nhập khẩu nhiều vàng hơn so với dự báo”, Giám đốc Peter Spina của Goldseek.com phát biểu, cho biết lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 10 đạt cao nhất 31 tháng.
“Kết hợp với việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm gần đây, hy vọng Fed xoay trục, và sự giảm giá của đồng USD, vàng đang ở vào một vị thế thuận lợi để vượt 2.000 USD/oz và có khả năng thiết lập kỷ lục mới”, ông Spina nhận định. “Một khi các nhà đầu tư phương Tây cũng gia tăng mua vàng, giá vàng có thể bứt phá lên 2.500 USD, thậm chí là 3.000 USD”.
Dù vậy, không phải chuyên gia nào cũng có quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng như ông Spina. Nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong ở New York nói với hãng tin Reuters rằng khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn vẫn có thể gây áp lực giảm lên giá vàng.
“Biên bản cuộc họp Fed cũng nói lên rằng các nhà đầu cơ vàng giá lên không nên quá vui mừng vào lúc này”, ông Wong nói.
Giavang.net